Niềm hy vọng cho nhiều doanh nghiệp

Cập nhật: 13-04-2012 | 00:00:00

Ngày 11-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở cuộc họp báo thông báo giảm lãi suất (LS) huy động và cho vay, tín dụng cho bất động sản được nới lỏng... Tại cuộc họp báo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết nguyên nhân dẫn tới quyết định cắt giảm tất cả các LS chủ chốt, cũng như giảm LS huy động tiền gửi thêm 1%/năm là do lạm phát đã được kiềm chế rất tốt, chỉ số CPI tháng 3 tăng thấp (0,16%) và cả quý I-2012 chỉ tăng 2,25%... Thông tin này đã làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng vào việc có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, NHNN quy định LS tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 5%/năm xuống còn 4%/năm; LS tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 13%/năm xuống còn 12%/năm. Song song đó, đối với quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, mức LS được ấn định tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13,5%/năm xuống 12,5%/năm. Cũng theo thông báo, từ 11-4, LS tái cấp vốn giảm từ 14%/năm xuống còn 13%/năm, LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH từ 15%/năm xuống còn 14%/năm, LS tái chiết khấu từ 12%/năm xuống 11%/năm...

Như vậy, nếu tính từ đầu tháng 3-2012 đến nay, LS cho vay đã giảm từ khoảng 1 - 3%. Song hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với DN hiện nay là LS cho vay vẫn còn ở mức quá cao, đối tượng vay được thường là DN lớn, còn DN vừa và nhỏ thì khó vay hơn. Mới đây ngành chức năng cũng đã công bố: trong quý I-2012 cả nước đã có số DN giải thể tăng tới 57% so với cùng kỳ năm trước vì nhiều nguyên nhân, trong đó số DN giải thể vì nguyên nhân không kham nổi LS vốn vay không phải là ít.

Thực tế, thời gian qua, khi NH hạ LS huy động nhưng cũng rất nhiều DN không thể tiếp cận đồng vốn vì LS cho vay vẫn còn cao. Mức chênh lệch giữa LS huy động và LS cho vay của một số NH vẫn trên 5 - 6%. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng NH nên khống chế LS “đầu ra” mà không cần chú ý LS “đầu vào”. Chỉ cần khống chế LS cho vay, NH sẽ tự liệu khả năng huy động đồng vốn để bảo đảm sinh lợi. Vì thực tế, thời gian qua, khống chế LS đầu vào, DN cũng khó vay tiền vì LS đầu ra vẫn còn cao. Nhiều DN đặt câu hỏi trong khi LS huy động thấp nhưng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn với LS thấp, vì sao?

Phần nào khắc phục những tồn tại trên, vừa qua, trước khi NHNN tuyên bố chính thức đồng loạt hạ LS xuống 1%, nhiều NH như Vietcombank, Eximbank, ACB, MB... đã thực hiện giảm LS cho vay; sau thông báo giảm LS cho vay xuống còn 12%/năm, có lẽ nhiều NH lớn sẽ tiếp tục hạ LS. Mới đây, NHNN tiếp tục có văn bản yêu cầu 5 NH thương mại Nhà nước và NH TMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank và MHB phải giảm chi phí, hạ LS cho vay... Theo nhiều chuyên gia kinh tế, động thái này của NHNN là linh hoạt, kịp thời vì tình hình kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, công ăn việc làm trở nên khó khăn, DN gặp khó khăn bởi LS... và như vậy, xu hướng LS cho vay sẽ tiếp tục giảm, không chỉ ở các NH kể trên mà sẽ còn những NH khác.

Tuy nhiên, một diễn biến khác, cùng thời gian NHNN tổ chức họp báo thông báo về việc hạ trần LS huy động thì ngày 11-4, NH Phát triển châu Á (ADB) cũng đã có buổi công bố báo cáo về tình hình phát triển châu Á - Việt Nam. Theo đó, ADB cảnh báo, mức độ “tiết kiệm thực” của những người gửi tiền VND thời gian qua chịu tác động bởi LS thực âm trong một giai đoạn kéo dài. Vì vậy, NH này cảnh báo việc hạ LS quá nhanh có thể đặt VND dưới áp lực mới, làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng, làm suy yếu dự trữ ngoại tệ. Những lưu ý này cũng rất cần những nhà quản lý tài chính, tiền tệ Việt Nam nghiên cứu và có những động thái quan tâm hơn đến những người gửi tiền. Thực tế, ngoài những DN có vốn nhàn rỗi, số tiền huy động được ở các NH đa số là những người làm công ăn lương, những cán bộ hưu trí... họ tích cóp từ đồng lương, thu nhập chính đáng khác gửi vào NH để kiếm chút đồng lãi phụ giúp thêm chi phí cuộc sống. Nhiều người đã chấp nhận cảnh đồng tiền mất giá do lạm phát tăng. Chỉ tính riêng trong năm qua, khi lạm phát lên đến trên 18% thì LS huy động chỉ 14%, tức người gửi tiền đã âm trên 4%. Qua đây, bài toán đặt ra, NH tìm cách cứu DN nhưng cũng cần có những giải pháp phù hợp trong điều hành LS để bảo đảm người gửi tiền được hưởng LS thực dương. Bởi tâm lý người gửi tiền không quan tâm chuyện LS huy động nhảy múa tăng hay giảm một hay hai con số, mà họ quan tâm nhất là tiền gửi của mình có thực dương qua từng năm.

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=384
Quay lên trên