Niềm vui mới cho người trồng điều
Những ngày này có một sự kiện đã và đang diễn ra làm cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, những hộ trồng điều trong cả nước và chúng ta đều quan tâm: Lễ hội Quả điều vàng Việt Nam - Bình Phước 2010 được tổ chức tại thủ phủ của cây điều - tỉnh Bình Phước. Lễ hội là dịp để tôn vinh và khuyến khích người trồng điều cả nước, đồng thời khẳng định thương hiệu điều Việt Nam với thế giới...
Ai cũng biết điều là một loại cây công nghiệp dài ngày, vốn đã quen thuộc với người dân Sông Bé trước đây (Bình Dương, Bình Phước sau này) nói riêng và người dân Đông Nam bộ nói chung. Thời hoàng kim của cây điều (những năm 80 - 90 của thế kỷ XX) cây điều đã giúp cho nhiều hộ nông dân trồng điều trên cả nước, trong đó có nông dân các tỉnh Bình Dương, Bình Phước đổi đời nhờ trồng điều lấy nhân xuất khẩu. Hạt điều đã góp phần mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước, đã làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương. Tuy nhiên, một thời gian sau đó người trồng điều phải lao đao vì tình trạng cây điều già cỗi cho năng suất thấp, lại bị tư thương ép giá, rồi nạn tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hạt điều không ổn định, khi điều được mùa thì mất giá và khi được giá lại mất mùa... khiến nhiều nông dân phải rơi vào cái vòng luẩn quẩn “trồng rồi chặt, chặt rồi lại trồng” cây điều. Tại khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Bình Phước, địa phương tập trung 45% diện tích điều của cả nước và tỉnh Bình Dương cũng không khác gì hơn...
Từ thực tế nói trên, cần thiết phải có một lối ra căn cơ và ổn định cho cây điều mà Lễ hội Quả điều vàng lần này đã và đang hướng tới. Và lối ra đó phải chăng là: các ngành chức năng, các địa phương có diện tích trồng điều cần đặc biệt quan tâm đến việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những giống điều mới có năng suất, chất lượng cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế; ngành trồng và chế biến hạt điều phải tiếp tục phát huy thế mạnh của cây điều, giữ vững uy tín thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó các đơn vị, doanh nghiệp chế biến hạt điều cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm điều...
Cần biết thêm, trải qua bao thăng trầm, hiện nay cả nước còn khoảng hơn 400 ngàn ha điều, trong số đó trên 60% diện tích cây điều tập trung ở vùng Đông Nam bộ, còn lại trồng chủ yếu ở Tây nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ. Cây điều đang giải quyết việc làm cho gần 500 ngàn lao động trong khâu trồng và chế biến hạt điều, trong đó có 80 nhà máy chế biến tập trung hơn 70 ngàn công nhân với khả năng chế biến mỗi năm từ 250 ngàn đến 300 ngàn tấn hạt điều xuất khẩu...
Với những hoạt động phong phú nhằm mục đích quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam mến khách, thân thiện; tôn vinh những người trồng điều, sản phẩm của ngành điều Việt Nam, qua đó mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế... Hy vọng rằng, lễ hội sẽ là một kênh quan trọng và hiệu quả trong việc tìm lối ra ổn định cho cây điều để các hộ trồng điều không phải lặp đi, lặp lại cái điệp khúc “trồng, chặt, chặt, trồng” và như vậy kỳ vọng của ngành điều Việt Nam là 1 tỷ USD từ xuất khẩu nhân hạt điều trong năm 2010 sẽ không quá khó.
VÕ HƯƠNG