Nỗ lực xóa đói nghèo
Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã công bố kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2010. Kết quả tổng điều tra cho biết, cả nước hiện có hơn 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo. Để có được kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng chăm lo cho người nghèo. Không chỉ chúng ta đáng tự hào với thành quả đó mà thế giới cũng ghi nhận và đánh giá cao cố gắng của Việt Nam trong công cuộc xóa đói nghèo. Trong thành tựu chung đó, đáng chú ý có 5 tỉnh, thành phố tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5% là TP.HCM (0,01%), Bình Dương (0,05%), Đồng Nai (1,45%), Bà Rịa - Vũng Tàu (4,35%), Hà Nội (4,97%). Đây là những địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng,
cao hơn chuẩn nghèo quốc gia. Ngoại trừ 2 thành phố lớn của cả nước, 3 địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp là 3 tỉnh ở miền Đông Nam bộ. Tuy nhiên, đáng chú ý và băn khoăn nhất là hiện cả nước có 81 huyện thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đến trên 50%.
Trong nỗ lực tiếp tục xóa đói nghèo, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu của nghị quyết xác định giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo; tạo sự chuyển biến toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các nhóm dân cư. Chính phủ sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo... Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2020 là thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên 3,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%. Trước mắt, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015, bao gồm các đề án, dự án giảm nghèo, hệ thống tiêu chí đánh giá công tác giảm nghèo quốc gia và tập trung nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo.
Hiện nay, số hộ nghèo tập trung ở khu vực nông thôn, nhất là địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy việc xóa nghèo cần tập trung và ưu tiên cho những địa bàn này. Đến nay, 100% tỉnh, thành trong cả nước đã lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM), 38 tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch xây dựng NTM 2011-2015. Xây dựng NTM đi liền với mục tiêu xóa nghèo. Tuy nhiên, trong xây dựng NTM hiện nay còn một số khó khăn lớn như xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn nhất thiết phải hiện đại, cần nguồn kinh phí rất lớn để chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân. Hiện thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập cả nước. Khoảng cách giàu nghèo đang có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn.
Tiếp theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15%, tăng trưởng khoảng 6%; giảm bội chi ngân sách Nhà nước dưới 5%; nhập siêu không quá 16%. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ xem xét trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6; phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ đời sống người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động trong các khu công nghiệp tập trung, lao động tự do... Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và động thái của các địa phương trong việc xóa đói nghèo đang được dư luận và người dân quan tâm, phấn khởi. Bởi xóa đói nghèo, an sinh xã hội là quan tâm đến cuộc sống người dân đặc biệt là người nghèo và cũng là một trong những nội dung, mục tiêu nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
NHẬT HUY