Nỗi buồn khối C!

Cập nhật: 18-05-2011 | 00:00:00

Mùa thi năm 2011 đang đến gần kề. Riêng ở bậc THPT, học sinh (HS) lớp 12 đang tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là kỳ thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ). Và đến nay các em HS lớp 12 cũng đã thực hiện xong việc đăng ký và nộp hồ sơ dự thi ĐH-CĐ vào các trường trong cả nước.

Từ đây, theo số liệu của các ngành chức năng, đến ngày 7-5, tại buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường ĐH-CĐ phía Nam thì hồ sơ dự thi khối C (thi vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn) so với tổng số hồ sơ ĐKDT chiếm tỷ lệ quá ít nếu không muốn nói là quá ế ẩm. Cụ thể như tỉnh Gia Lai có 1.692 hồ sơ ĐKDT khối C/tổng số 27.270 hồ sơ ĐKDT, chiếm 6,2%; tỉnh Tây Ninh có 270 hồ sơ ĐKDT khối C/tổng số 15.661 hồ sơ ĐKDT, chiếm 34,4%; tỉnh Đồng Nai  có 1.414 hồ sơ khối C/tổng số 52.835 hồ sơ ĐKDT, chiếm 2,6%; TP.HCM có 2.100 hồ sơ ĐKDT khối C/tổng số 151.573 hồ sơ ĐKDT, chỉ chiếm 1,4%... Cùng “ cảnh ngộ” này, ở khu vực miền Trung, miền Bắc, cụ thể như hồ sơ dự thi khối C của Đà Nẵng chỉ chiếm gần 4%, Hà Nội là 4,4%... Riêng tại Bình Dương, trong tổng số 15.661 hồ sơ ĐKDT có 516 hồ sơ ĐKDT khối C, chiếm chỉ 3,3%. Như vậy, năm nay tùy mỗi tỉnh, thành, cứ bình quân 100 thí sinh dự thi, chỉ có từ hơn 1 cho đến 6 thí sinh dự thi khối C.

Tương ứng với số ĐKDT giảm là việc tuyển sinh vào các ngành khối C tại nhiều trường ĐH cũng gặp khó khăn, trong đó có một số trường ĐH của tỉnh Bình Dương. Vì sao có tình trạng này? Theo giải thích của các nhà nghiên cứu tâm lý về giáo dục thì do đất nước đang trong thời kỳ phát triển kinh tế, kỹ thuật nên tâm lý thí sinh thích thi vào các ngành kinh tế, kỹ thuật - công nghệ để dễ tìm việc làm, dễ hòa nhập và có đồng lương hậu hĩnh. Ai cũng biết, làm ở các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, tài chính ngân hàng... dễ có thu nhập cao. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến không ít thí sinh thích các ngành kinh tế (khối A, B) hơn các ngành văn hóa, xã hội (khối C). Mặt khác, từ thực tế phân bổ các ngành đào tạo tại nhiều trường ĐH-CĐ, các ngành kinh tế, tài chính,... luôn chiếm ưu thế nên nếu chọn khối C, học sinh có rất ít cơ hội chọn lựa ngành nghề vì số lượng trường ĐH-CĐ đào tạo không nhiều. Và không chỉ ngoài xã hội mà ngay trong các trường học, các môn KHXH&NV cũng ngầm bị coi là môn phụ. Do đó, không ít trường thường chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng HS giỏi các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh hơn là văn, sử, địa... nên nhiều HS thật sự thích các môn sử, địa cũng ít có cơ hội thi thố, không được nuôi dưỡng và vun đắp niềm đam mê. Chính tâm lý ngầm phân chia “môn chính - môn phụ” đã chi phối việc định hướng phân ban trong các trường phổ thông, hậu quả là nhiều trường không có HS theo học ban KHXH...

Từ thực tế trên sẽ dẫn đến hệ lụy là chất lượng đầu vào của các ngành xã hội - nhân văn như triết học, tâm lý học, xã hội học, văn hóa... ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thực tế bất cập này? Đầu vào gặp khó, đầu ra càng khó hơn, khi vài năm tới, các cán bộ văn hóa, xã hội... liệu có đủ đáp ứng cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước?

Làm sao để HS yêu mến các môn học khối C và dự thi vào các ngành KHXH&NV có lẽ là câu hỏi cần có đáp án dành cho không chỉ riêng ngành giáo dục - đào tạo mà là cho cả bản thân thí sinh, phụ huynh HS và cả xã hội.

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên