Theo số liệu từ một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế, trong 3 thập niên gần đây, chiều cao của người Việt đang nhích dần, cứ 10 năm tăng thêm được khoảng 1cm. Tuy nhiên, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện mới đạt 164cm, thua 8cm so với chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản và 10cm so với nam thanh niên Hàn Quốc. Chiều cao trung bình của nữ còn khiêm tốn hơn với 153cm. Với tốc độ này, nếu không có giải pháp cải thiện, vóc dáng người Việt khó theo kịp các nước trong cùng khu vực!
Theo kết quả nghiên cứu nói trên thì trong vòng 30 năm qua người Việt chỉ cao thêm chừng 3cm. Thông tin đáng buồn mà nghiên cứu này đưa ra là người Việt hiện thấp nhất khu vực châu Á, đa số người Việt có vóc dáng thấp bé nhẹ cân! Đây là nỗi buồn khó nói thành lời, bởi thấp bé nhẹ cân ảnh hưởng nhiều mặt đối với đời sống, xã hội. Trong lao động sản xuất hàng ngày, người có vóc dáng thấp bé nhẹ cân phải cố gắng nhiều hơn mới đạt năng suất như những người có vóc dáng cao lớn hơn. Cũng chính vì thấp bé nhẹ cân nên trên đấu trường quốc tế, Việt Nam khó giành được phần thắng đối với những bộ môn thể thao đòi hỏi nhiều vào sức vóc. Nhiều thế hệ cầu thủ Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam thường “hụt hơi” khi bước vào thi đấu hiệp 2 cũng chỉ vì thấp bé nhẹ cân!
Để khỏa lấp nỗi buồn mang tên thấp bé nhẹ cân, nhiều người cho rằng chiều cao con người được tính từ đỉnh đầu đến bầu trời xanh. Đó là cách nói của các bậc vĩ nhân, còn với đa số những người bình thường thì để “tuy thấp nhưng ai cũng phải ngước nhìn” là điều khó xảy ra! Chiều cao con người còn là hình ảnh quốc gia. Do vậy, cải thiện chiều cao người Việt cho thế hệ tương lai là điều cần làm và phải làm quyết liệt, lâu dài, gắn với chiến lược dân số. Điều đáng mừng là thấp bé nhẹ cân không phải thuộc tính di truyền mà có thể cải thiện được bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chiều cao của con người chỉ phụ thuộc 20% vào di truyền, 80% còn lại phụ thuộc vào dinh dưỡng, ý thức rèn luyện thể thao và môi trường sống. Khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài, môi trường sống không sạch sẽ, trẻ lười tập thể dục và thường mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp... khó phát triển chiều cao.
Điều đáng nói là mặc dù dinh dưỡng quyết định chiều cao, nhưng nếu sử dụng dinh dưỡng không hợp lý thì chỉ phát triển chiều ngang mà không phát triển được chiều cao như mong muốn. Bữa ăn gia đình Việt những năm gần đây tuy đầy đủ hơn, nhưng vẫn mất cân đối. Nhiều đường, dư béo nhưng thiếu can xi trong bữa ăn hàng ngày vẫn là căn nguyên sâu xa khiến chiều cao của người Việt tăng chậm. Con số gần 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm 30% tổng số trẻ em Việt Nam, hiện đang ở tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi là đáng báo động. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành trong tương lai gần.
Để cải thiện chiều cao của con cái trong gia đình, điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi trẻ được mang thai và những năm đầu đời. Gia đình là tế bào của xã hội, trong khi chờ một chiến lược “dài hơi” từ chương trình dân số, mỗi gia đình hãy tự xây dựng một chế độ ăn hợp lý để cải thiện chiều cao của con cái. Có như vậy thì nỗi buồn mang tên thấp bé nhẹ cân của người Việt mới sớm đi vào dĩ vãng.
LÊ TRẦN