Bình Dương hiện đã vận động, thành lập và ra mắt nhiều nghiệp đoàn, như Nghiệp xe ôm, Nghiệp đoàn thợ xây, Nghiệp đoàn thẩm mỹ, Nghiệp đoàn vé số... Những nghiệp đoàn này do Liên đoàn Lao động các địa phương trong tỉnh thành lập nhằm quy tụ, tập hợp lao động cùng ngành nghề, cùng địa bàn vào một tổ chức, mở ra nhiều kỳ vọng đối với lao động tự do. Người lao động một khi tham gia nghiệp đoàn sẽ được chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, được tạo môi trường sinh hoạt để phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghiệp đoàn là tổ chức cơ sở của công đoàn. Nghiệp đoàn tập hợp những người lao động tự do cùng ngành nghề, được thành lập theo địa bàn hoặc theo đơn vị lao động khi có ít nhất 10 người, có người đứng đầu. Tại Bình Dương, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng lao động tự do, tuy nhiên theo ước tính con số này là rất lớn. Những năm gần đây, số lượng lao động tự do từ các nơi đến Bình Dương làm việc ngày càng tăng, từ đó dấy lên lo ngại về các vấn đề tiếp cận an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn lao động, cơ hội nâng cao kỹ năng... cho nhóm đối tượng lao động này.
Cùng với các lo ngại nói trên, lao động tự do còn gánh chịu rủi ro là không có người đại diện pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Do vậy, nghiệp đoàn được thành lập nhằm đem lại quyền lợi cho lao động tự do. Người đại diện nghiệp đoàn sẽ lắng nghe để truyền tải, đề đạt ý kiến, kiến nghị của đoàn viên nghiệp đoàn với chính quyền, nhất là quyền lợi về vay vốn phát triển nghề nghiệp, tiếp cận việc làm mới, được hưởng mức thuế ưu đãi, được mua nhà ở xã hội… Nghiệp đoàn còn là “cầu nối” giữa người lao động với các các cá nhân, tổ chức thuê mướn lao động, từ đó kịp thời đề xuất các cá nhân, tổ chức xem xét, hỗ trợ cho người lao động khi gặp khó khăn như tai nạn, bệnh tật; tạo môi trường để đoàn viên nghiệp đoàn sinh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau cả trong công việc và cuộc sống.
Rõ ràng người lao động tự do khi quyết định tham gia nghiệp đoàn đều có những kỳ vọng và nhu cầu chính đáng. Nhận định xu hướng tập hợp người lao động tự do hiện nay rất đa dạng và sẽ là xu hướng chính trong tương lai, góp phần “chính thức hóa” lao động tự do. Do vậy, nghiệp đoàn cần cải thiện phương thức và linh hoạt hơn trong việc quy tụ, tập hợp lao động tự do; đồng thời nâng cao năng lực tổ chức, vận hành nghiệp đoàn.
Quy tụ, tập hợp lao động tự do mặc dù là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên công đoàn vẫn là đơn vị chủ lực. Nhiều lao động tự do cùng tự nguyện tham gia nghiệp đoàn sẽ góp phần củng cố vị thế của tổ chức công đoàn.
LÊ QUANG