Nông nghiệp hướng tới công nghệ cao - Kỳ 2

Cập nhật: 13-10-2020 | 07:47:08

Kỳ 2: Chú trọng chất lượng, hiệu quả

 Nông nghiệp Bình Dương đã có sự phát triển đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất vẫn cần đẩy mạnh hơn ...

 Mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm), xã An Thái, huyện Phú Giáo

 Nâng cao giá trị gia tăng

Để nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền vận động người dân cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ sản xuất… Cùng với việc xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, từng bước sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, Bình Dương đang tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.

Đến nay, Bình Dương đã có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên) và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo). Trong đó, nổi bật là Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (Unifarm) do Công ty Cổ phần đầu tư U&I làm chủ đầu tư với tổng diện tích trên 410ha. Đối với sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, điển hình có Công ty Cổ phần Vinamit đầu tư phát triển 150ha nông sản các loại như mít, chuối, rau các loại,... được cấp chứng chỉ canh tác hữu cơ, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic EU (Cộng đồng liên minh các nước châu Âu).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 dự án chăn nuôi ƯDCNC với quy mô lớn, cụ thể: Khu chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6ha) với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 1 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500.000 quả/ngày. Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (diện tích 78,5ha) với tổng đàn 300.000 con gà đẻ và 95.000 con gà hậu bị; số lượng trứng sản xuất bình quân 80 triệu quả/năm. Khu chăn nuôi bò sữa ƯDCNC, xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao trên 470ha; tổng đàn bò sữa của công ty trên 850 con; năng suất sữa trung bình đạt 17,7 kg/con/ ngày, tổng sản lượng sữa bình quân khai thác khoảng 199.771 kg/tháng. Mô hình chuồng trại được thiết kế theo CNC, tự động hóa hoàn toàn các công đoạn như thu hoạch, chế biến thức ăn, thu gom và xử lý chất thải, vắt sữa…

Phát triển bền vững

Nông nghiệp Bình Dương đã có sự phát triển đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bình Dương chưa có nhiều mặt hàng nông sản mang thương hiệu lớn, vững vàng trên thị trường quốc tế.

Khó khăn trước hết là chi phí đầu tư phát triển ƯDCNC cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ƯDCNC chưa thực sự mạnh. Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp ƯDCNC đòi hỏi phải có nguồn nhân lực am hiểu về khoa học-kỹ thuật, nhưng thực trạng chung hiện nay là nguồn nhân lực có chuyên môn, được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn đang còn thiếu.

Mặt khác, đầu ra không ổn định cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt nói chung và nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC nói riêng. Ngoài ra, lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất vẫn hạn chế... Các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp chỉ tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.

Từng bước khắc phục hạn chế, tồn tại, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trao đổi về việc này, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết trong thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC, sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. Đồng thời, tiếp tục tập huấn tuyên truyền các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế. Mặt khác, tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển giao các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Cùng với đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ƯDCNC cần phải đầu tư chuyển dần sang chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, qua đó, tạo thương hiệu bền vững. Bên cạnh đó, cần coi trọng thị trường trong nước bằng cách giảm giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, ngành sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề, cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên