Phải bóp chết “xã hội đen” từ trong trứng nước!
Nhân Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát Nhân dân (20-7), Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an đã phát biểu với báo chí như trên; thể hiện rõ quyết tâm của ngành chức năng trong việc mạnh tay kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm này.
Thời gian qua, lực lượng công an nói chung và lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm nói riêng trong cả nước đã điều tra, khám phá hơn 16.000 vụ phạm tội về hình sự; phát hiện và triệt phá trên 1.800 băng, ổ nhóm tội phạm các loại; trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là số tội phạm sử dụng súng gây án. Số băng nhóm tội phạm nguy hiểm bị triệt phá đã được đông đảo nhân dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ.
Thực tế, tính chất bạo lực côn đồ, manh động của bọn tội phạm trong thời gian gần đây đã gia tăng, các vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án xảy ra ở nhiều địa phương. Tình trạng các băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến đâm thuê, chém mướn, xiết nợ, đòi nợ thuê diễn ra khá phức tạp; không ít vụ đâm chém do thù tức, thậm chí truy sát nạn nhân để “đuổi cùng, giết tận”; đặc biệt các vụ gây án có tính chất tàn bạo, dã man, thanh toán đẫm máu theo kiểu “xã hội đen”... gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Các vụ án giết người phản ánh sự xuống cấp về các giá trị đạo đức xã hội, song phổ biến không chỉ ở nước ta mà còn đối với các quốc gia trên thế giới; bởi bọn tội phạm hoạt động ngày nay càng có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, với bản chất liều lĩnh, hung hăng, tranh giành lãnh địa; sẵn sàng thanh toán và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt.
Nhằm tiếp tục kiềm chế sự gia tăng của bọn tội phạm, kiểm soát tình hình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, thiết nghĩ rất cần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 48/CT-TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân và vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng công an trong công tác đấu tranh. Trước mắt, cần tiếp tục xây dựng phong trào quần chúng rộng khắp ở địa bàn cơ sở, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức công dân tạo điều kiện cho người dân tham gia phòng chống tội phạm bằng nhiều hình thức phong phú.
Muốn đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, nhất thiết phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu phương thức thủ đoạn, đặc điểm hoạt động của chúng; vận dụng tốt hành lang pháp lý, chỉnh sửa, bổ sung pháp luật phù hợp, trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại, sẵn sàng đấu tranh nhanh, mạnh - “hiệu quả tức thì”. Khi huy động cả sức mạnh tổng lực của hệ thống chính trị vào cuộc, ắt hẳn loại tội phạm này phải rệu rã, co vòi chẳng thể hoành hành, xem thường luật pháp.
* THANH NHÀN