Đầu năm 2009 tỉnh ta đã ban hành danh mục 54 cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng và 25 cơ sở ONMT cần xử lý triệt để. Qua thời gian kiểm tra, nhắc nhở, quy định thời gian khắc phục ô nhiễm (KPON), đến nay ngoài số cơ sở tích cực KPON vẫn còn 15 cơ sở ONMT nghiêm trọng và 6 cơ sở ONMT chưa thực hiện KPON. Qua đó cho thấy việc bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn còn khó khăn, phức tạp. Nó là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu; giữa lợi ích cộng đồng (lợi ích chung) với lợi ích riêng (lợi ích cục bộ); giữa lợi ích lâu dài với lợi ích trước mắt.
Chúng ta đã có Luật BVMT điều tiết mà các thành viên trong xã hội phải chấp hành. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh để làm giàu cho mình và cho xã hội. Mục đích sản xuất của doanh nghiệp (DN) là thu lợi nhuận cá nhân nhưng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Xã hội không thể chấp nhận kiểu lợi nhuận DN hưởng còn xã hội phải gánh chịu hậu quả chất thải ô nhiễm do DN sản xuất thải ra. Hoặc có trường hợp đối phó với cơ quan chức năng, DN có hệ thống xử lý chất thải nhưng không vận hành hoặc vận hành chiếu lệ. Rốt cuộc cộng đồng dân cư trong khu vực phải gánh chịu gây bao nỗi bất bình. Hiện nay tình trạng ONMT còn xảy ra ở một số khu vực có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị nhanh như khu vực kênh Ba Bò, suối Chòm Sao, suối Bưng Cù, suối Siệp, hạ lưu sông Thị Tính...
Bao giờ trả lại con suối, dòng kênh trong xanh thuở nào? Chúng tôi thiết nghĩ trước hết các DN đang còn gây ONMT và ONMT nghiêm trọng phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật BVMT, phải có trách nhiệm xử lý chất thải do DN mình thải ra; phải coi việc BVMT là đạo đức, là nếp sống văn hóa, giàu tính nhân văn và là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh. Có được vậy thì DN mới bảo đảm phát triển bền vững. Thứ đến là vai trò, trách nhiệm của các địa phương và ngành chức năng, đó là trong thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện chính sách hỗ trợ các DN gây ô nhiễm phải di dời, có chủ trương thu hút các dự án có công nghệ cao đầu tư vào các khu công nghiệp, từ chối các dự án không bảo đảm về môi trường thì cũng cần kiên quyết xử lý những DN cố tình không chấp hành Luật BVMT, gây ONMT và ONMT nghiêm trọng; đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời những cơ sở gây ONMT nằm trong khu dân cư nhưng không có biện pháp khắc phục hậu quả; công bố công khai những DN gây ONMT và các hình thức xử lý để nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng.
Chúng ta không thể chấp nhận phát triển bằng mọi giá. Hãy tích cực thực hiện các biện pháp BVMT nhằm phát triển bền vững, thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
XUÂN QUỲNH