Phân luồng học sinh sao cho hợp lý
(BDO) Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh vừa kết thúc. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục - Đào tạo, 70% thí sinh (TS) trong tổng số 19.687 TS đăng ký dự thi sẽ trúng tuyển vào lớp 10 công lập, 30% TS không trúng tuyển vào lớp 10 công lập sẽ được định hướng thi hoặc xét tuyển vào các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề. Việc phân luồng học sinh lớp 9 là chủ trương đúng đắn, nhưng phân luồng học sinh cũng cần tính toán sao cho hợp lý với nguyện vọng của phụ huynh và thể chất của học sinh.
Quyết định số 522/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 14-5-20218 về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” cũng đã đặt ra các mục tiêu cụ thể. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện phát triển đất nước nhằm cân bằng trình độ lao động ở các ngành nghề khác nhau. Thực hiện quyết định nói trên, những năm gần đây, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau khi các em học xong lớp 9 đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu của việc giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau khi các em học xong cấp trung học cơ sở nhằm giảm gánh nặng ngân sách về trường lớp, giảm áp lực cho các trường trung học phổ thông công lập, đồng thời giảm bớt việc lãng phí công sức, tiền bạc của một bộ phận phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, việc phân luồng đối với học sinh lớp 9 cần tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh, đáp ứng yêu cầu phổ cập trình độ trung học phổ thông và yêu cầu thể chất của nguồn nhân lực.
Đối với nguyện vọng phụ huynh, đa số đều mong muốn con em mình tiếp tục học lên trung học phổ thông vì trong suy nghĩ của phụ huynh, học sinh lớp 9 vẫn là lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đối với việc phổ cập trình độ trung học phổ thông, sau phân luồng nếu các em không được tuyển vào lớp 10 công lập có thể theo học các trường tư thực, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề. Tuy nhiên, với một số học sinh sau phân luồng thường có tâm lý chán nản, thiếu tự giác trong học tập, từ đó có kết quả học tập không cao hoặc bỏ học. Về mặt thể chất, ngoài một số em có thể chất phát triển vượt trội, đa số học sinh lớp 9 chỉ như đứa trẻ. Với gia đình chỉ có từ 1 - 2 con như hiện nay, học sinh lớp 9 được cưng chiều nên các em chưa nghĩ đến việc học nghề, tìm việc làm hay định hướng tương lai.
Để việc phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao theo đúng mục tiêu mà Quyết định số 522/QĐ-TTg của Chính phủ đã đề ra là bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thiết nghĩ việc phân luồng học sinh nên thực hiện mạnh mẽ hơn đối với học sinh lớp 12. Phân luồng đối với học sinh lớp 12 bên cạnh đáp ứng được yêu cầu phổ cập trình độ trung học phổ thông, còn đáp ứng được yêu cầu về thể chất của nguồn lực lao động. Phân luồng mạnh mẽ đối với học sinh lớp 12 đồng nghĩa giảm chi ngân sách cho các trường đại học và góp phần ngăn chặn tình trạng “thầy nhiều hơn thợ” như hiện nay
LÊ QUANG