Hành hương đầu năm là một tập tục, một nét văn hóa của người dân Việt đã có từ lâu. Đi chùa cầu cho đất nước thanh bình, xã hội phồn vinh, gia đạo bình an, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát tài, gia đình hạnh phúc... Đó là những lời nguyện và cũng là điều mỗi ai trong chúng ta cũng đều mong muốn.
Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, lượng người khá giàu xuất hiện ngày càng nhiều. Vì thế, người đi chùa ngày càng đông. Có người đi chùa riết đâm “ghiền”. Hễ nghe ở đâu có chùa “linh” là tìm đến dù gần hay xa. Cũng có những người với suy nghĩ càng đi nhiều chùa càng nhiều phật chứng giám nên họ quyết tâm đầu năm viếng đến hàng chục kiểng chùa. Cũng có suy nghĩ, phật ở trên cao nên quyết tìm đến chùa trên đỉnh núi dù sức khỏe có yếu, chân có run. Đi càng nhiều chùa, chi phí càng cao nên ít nhiều ảnh hưởng đến nồi cơm gia đình. Có gia đình, vợ cứ mải mê chuyện chùa chiền nên quên đi công việc thường ngày, chồng trách móc, lời qua tiếng lại, xích mích xảy ra. Cầu cho gia đạo bình an, bình an chưa thấy đã thấy bất an. Cũng vì muốn gần phật nên có người phải trèo lên núi nhưng lại không “tự lượng sức mình” nên mới có chuyện leo nửa chừng đã “hết hơi” thậm chí có người phải cấp cứu.
Có câu rằng: “Phật ở đâu xa, phật trong lòng người, phật tại tâm”. Nhiều vị sư cũng đã nhiều lần thốt lên như thế. Thế mới hay, tích đức ngay từ trong hành vi mỗi ngày, cái thiện cũng ở ngay việc làm hàng ngày. Như thế là gần phật, được phật trời chứng giám. Phật giáo từ lâu đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Câu nói “ở hiền gặp lành”, “tu nhân tích đức”... được nhiều người thực hiện. Vì thế, ngày càng nhiều người khi cuộc sống đủ đầy hoặc khá lên đã biết suy nghĩ về người khác, biết sống vì người khác bằng các hoạt động xã hội từ thiện, san sẻ nỗi khốn khó của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bất hạnh bằng những việc làm thiết thực như tặng quà, tiền, xây nhà tình thương, giúp công ăn việc làm... Bởi cứu giúp người hoạn nạn cũng bằng xây 10 kiểng chùa như dân gian vẫn nói.
Tóm lại, chuyện đi nhiều chùa tích đức hay tích đức ngay trong mỗi hành vi thường ngày. Đó là vấn đề cũng cần suy nghĩ bởi như người đời thường nói “phật tại tâm”.
DÂN THƯỜNG