Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sự bứt phá mới - Kỳ 2

Cập nhật: 09-08-2024 | 08:54:24

Kỳ 2: Xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới

 Bình Dương đang phấn đấu xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới; chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng phát triển xanh, thông minh, bền vững. Bình Dương sẽ nâng cấp các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu trở thành KCN thông minh, có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại.

 Bình Dương đang phấn đấu xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới. Trong ảnh: KCN Việt Nam - Singapore 2

 Hiện đại hóa hạ tầng giao thông

Những năm qua, Bình Dương chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; quy hoạch hạ tầng giao thông tổng thể, bền vững và liên ngành, gắn với phát triển đô thị. Các tuyến đường kết nối đến khu kinh tế, KCN, khu du lịch, trung tâm logistics, các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Đồng thời, Bình Dương phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc… theo quy hoạch vùng nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 Bình Dương hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm. Về phương án phát triển hạtầng giao thông cấp tỉnh, đến năm 2030 có43 tuyến đường tỉnh, gồm 16 tuyến hiện hữu và27 tuyến bổsung mới. Theo đó, Bình Dương hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh, gồm cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ KCN Bàu Bàng đến Cảng Cái Mép - Thị Vải… Cùng với đó, Bình Dương đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa, gắn với lộ trình phát triển công nghiệp và đô thị.

Đến năm 2050, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông theo các quy hoạch ngành, quốc gia đã được phê duyệt. Bình Dương cũng tiếp tục đầu tư phát triển đường trên cao, nút giao liên thông trên các tuyến giao thông huyết mạch theo trục Bắc - Nam, vành đai Đông - Tây… nhằm tăng cường hơn nữa tính kết nối, năng lực thông hành hệ thống giao thông của tỉnh; chú trọng đầu tư các cảng cạn dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính, hình thành các đầu mối trung chuyển hàng hóa đến các cảng thủy nội địa lớn trong vùng bằng đường thủy…

Hình mẫu phát triển KCN cho cả nước

Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển hệ thống KCN tiên tiến, xuất sắc, đạt đẳng cấp và sức cạnh tranh quốc tế, là hình mẫu phát triển KCN cho cả nước. Bình Dương phấn đấu tỷ lệ lấp đầy chung các KCN hoạt động đạt 93,11% vào năm 2030. Giai đoạn 2021- 2030, Bình Dương phấn đấu thành lập, đầu tư 14 KCN mới; giai đoạn 2031-2050 đầu tư tối thiểu 6 KCN mới.

Về định hướng chung, Bình Dương sẽ phát triển các KCN tập trung, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển không gian các đô thị công nghiệp, các khu vực có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển không gian đô thị công nghiệp - dịch vụ đồng bộ, hiện đại, hạn chế phát triển công nghiệp lan tỏa, nhỏ lẻ, dàn trải. Đồng thời, địa phương khai thác và sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm, hướng tới hạn chế các loại hình thâm dụng sử dụng đất, giá trị sản xuất không cao, dành diện tích đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả cao hơn; phát triển mới và mở rộng các KCN theo hành lang phía bắc đường Vành đai 4, khu vực phía tây đô thị Bàu Bàng và khu vực phía đông gắn với đường nối Bắc Tân Uyên - Phú Giáo.

Bình Dương cũng chuyển đổi các KCN phía Nam lên phía Bắc, sử dụng quỹ đất sau khi di dời (sau năm 2030) sang các mục đích sản xuất tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao cấp vùng, cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông tại khu vực, sử dụng một phần cho mục tiêu phát triển đô thị.

Để đạt mục tiêu nói trên, Bình Dương đang phấn đấu xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới; thực hiện tái cấu trúc công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới gắn liền với quy hoạch vùng. Bình Dương xác định tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước giảm thâm dụng lao động, tiết kiệm tài nguyên đất đai. Bình Dương sẽ nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành KCN thông minh, có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng và liên vùng; tiếp tục là hình mẫu tiên phong trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Cùng với cả nước, Bình Dương hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1624
Quay lên trên