Phát triển văn hóa xứng tầm

Cập nhật: 06-01-2023 | 08:13:16

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Với ý nghĩa đó, văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội; văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong xây dựng và phát triển đất nước. Đường lối về phát triển văn hóa đã được Đảng, Nhà nước xác định, cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị, các văn bản pháp luật... Tất cả đều hướng tới xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mới đây, Đảng ta xác định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Do đó, trong quá trình phát triển phải bảo đảm sự đồng bộ, hài hòa, cân đối giữa kinh tế, chính trị và văn hóa. Phát triển kinh tế nhằm bảo đảm chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh nhằm tạo dựng niềm tin, vạch ra phương hướng phát triển của đất nước; phát triển văn hóa là để chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ.

Tại Bình Dương, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa những năm qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, Bình Dương trở thành một điển hình của cả nước trong công cuộc đổi mới. Song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn hóa tinh thần cũng đặc biệt được tỉnh quan tâm. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, các thiết chế văn hóa, thể thao và di tích từ cấp tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm xây dựng, tu bổ, tôn tạo… Điều này đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển văn hóa tương xứng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa thời đại 4.0, đặc biệt là trước những tác động của mặt trái trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội vẫn đang đặt ra nhiều thách thức. Do đó, quan điểm phát triển “bao trùm, toàn diện” cần phải được nhận thức một cách đầy đủ. Trên cơ sở đó có cơ chế và sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, để văn hóa luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và soi đường cho quá trình phát triển.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=144
Quay lên trên