Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam : Ký ức những trận đánh…

Cập nhật: 08-11-2014 | 09:08:18

Kỳ 9: Ký ức những trận đánh…

 Thực hiện quyết tâm tổng tiến công chiến lược mùa khô 1978-1979, giúp bạn lật đổ chế độ Pôn Pốt, Bộ Tổng Tư lệnh dự kiến thời gian mở màn chiến dịch vào ngày 1-1-1979, nhưng trung tuần tháng 12-1978, địch đã đưa quân luồn sâu đánh một số xã nhằm chiếm tỉnh Tây Ninh. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh tiền phương giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (QĐ4) nhanh chóng phản công địch. Vậy là cuộc chiến chống Mỹ vừa chấm dứt, Tổ quốc vui hưởng thái bình chưa được bao lâu thì khói lửa chiến tranh lại bùng lên…

 

Lễ xuất quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam năm 1977 (Ảnh: Bảo tàng QĐ4 cung cấp)

  Uy dũng xe tăng

Trong lịch sử chiến tranh của thế giới, tăng, thiết giáp luôn là vũ khí đầy uy lực được mệnh danh là “vua chiến trường”. Trong chiến dịch tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh, lực lượng tăng, thiết giáp của Lữ đoàn 22 - QĐ4 đã không hổ danh là những “vua chiến trường” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên - nhanh chóng phản công địch, QĐ4 đã sử dụng Tiểu đoàn thiết giáp 3 tăng cường cho Trung đoàn bộ binh 273 bí mật chiếm lĩnh trận địa rạch Cái Bạc, Vàm Cỏ Đông làm bàn đạp cho bộ đội vượt sông và sử dụng Tiểu đoàn tăng, thiết giáp 1 tấn công địch ở vòng ngoài, hình thành thế chia cắt, bao vây địch. Đây là trận đánh mở màn của cuộc tổng tiến công nhưng các lực lượng tăng, thiết giáp của Lữ đoàn 22 - QĐ4 đã chiến đấu rất hiệu quả. Kết quả, toàn bộ lực lượng của địch trên đất Tây Ninh bị ta bao vây và tiêu diệt, đập tan ảo vọng của chúng muốn chiếm tỉnh này.

Sau khi tiêu diệt địch trong nội địa, sáng ngày 1-1-1979, QĐ4 nổ súng tiến công sang biên giới theo đúng kế hoạch. Đội hình tấn công áp đảo đi đầu vẫn là lực lượng tăng, thiết giáp. Trên hướng bắc, Tiểu đoàn thiết giáp 3 cơ động theo đường 10 - Đôn So - Kôngbông Trạch, chiếm núi Ba Phum, Xa Cách, Niết Lương, bảo đảm cho hướng chủ yếu của QĐ4 đánh vào thủ đô Phnom Penh. Ở hướng đường số 1, Tiểu đoàn tăng 2 với tổng số 24 xe tăng, thiết giáp tăng cường cho Sư đoàn 7 đã thực hành tiến công hành tiến về Phnom Penh. Trong quá trình vừa đi vừa đánh giặc, lực lượng tăng, thiết giáp của tiểu đoàn này đã phát huy hỏa lực, cùng bộ binh tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Trước thế tiến công như vũ bão của quân ta, địch lâm vào thế lúng túng, không có lực lượng dự bị tăng viện. Trên đà chiến thắng, ngày 4-1-1979, tiền phương Bộ Tổng tham mưu hạ quyết tâm sử dụng toàn bộ lực lượng tiến công giải phóng thủ đô Phnom Penh. Chấp hành mệnh lệnh, QĐ4 sử dụng Sư đoàn 7 cùng Tiểu đoàn 2 dẫn đầu đội hình tiến về thủ đô nước bạn. 10 giờ ngày 7-1-1979, ta đã chiếm được bộ tổng tham mưu, đài phát thanh, khu hoàng cung của địch trong thành phố Phnom Penh. Lực lượng tăng, thiết giáp cùng bộ binh trên các hướng phát triển khá thuận lợi. Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, quân ta làm chủ phần lớn thủ đô Phnom Penh trong niềm vui chào mừng của đồng bào nhân dân Campuchia. Từ trong chiến dịch oanh liệt này, nhiều tấm gương anh dũng đã xuất hiện. Điển hình là đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thành (Tiểu đoàn tăng 2 - Lữ đoàn tăng - thiết giáp 22). Sau này đồng chí Thành được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trước lúc về hưu, ông mang hàm trung tướng, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bà má Campuchia

Trong hồi ký của mình, đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng QĐ4 đã kể lại một câu chuyện rất cảm động, thể hiện một tình cảm rất thiêng liêng của bà má Campuchia với bộ đội Việt Nam trong những năm chiến tranh khốc liệt. Ông kể rằng ngày đó, trên mặt trận đang ác liệt, nhằm nắm rõ phía sau của quân địch, ông Hồng đã giao nhiệm vụ cho tổ trinh sát 3 người luồn sâu vào nơi đóng quân của địch. Ba đồng chí tên là Thịnh, Chiến, Toàn lập tức sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Không may trong quá trình tác chiến, đồng chí Toàn bị lộ, địch phát hiện và bắn ngay. Anh Toàn không kịp trở tay, gục xuống… Súng nổ loạn xạ, hai đồng chí còn lại xông lên tấn công địch nhằm cứu anh Toàn, nhưng đến nơi không thấy anh Toàn ở đâu, chỉ thấy những vệt máu. Sự mất tích hoặc hy sinh của đồng chí Toàn đã làm đau lòng toàn đơn vị. Bởi nếu anh hy sinh sao không thấy xác anh ở đâu, hay anh bị thương rồi bị địch bắt và nếu điều đó xảy ra sẽ vô cùng đau đớn với anh. Đơn vị nhiều lần tổ chức tìm kiếm anh Toàn nhưng không đạt kết quả. Đại tá Nguyễn Văn Hồng có ý định sau khi chiếm được căn cứ của địch sẽ đi tìm anh Toàn. Và chiến thắng cũng đã tới. Sau một năm bao cảnh vật đã thay đổi nhưng chiến sĩ Thịnh và Chiến vẫn không quên nơi anh Toàn gục xuống trước họng súng kẻ thù. Họ săm soi tìm kiếm rồi bỗng dưng giọng Thịnh run lên, nói qua hơi thở: “Đây rồi!... Toàn đây rồi anh Chiến ơi…”. Hai người cùng quỳ xuống trước một hốc đá, bên trong có bộ xương còn bốc mùi. “Toàn ơi!... Toàn đấy phải không? Ngày đó tao cứ tưởng mày bị thương rồi chạy lạc, nhưng mày bị thương rồi bò vào đây phải không? Thế là chúng tao đã gặp mày ở đây! Thôi thì mày đã hy sinh anh dũng, mày đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của trận đánh này. Ở quê, người ta nhận được thông tin mày mất tích, mẹ mày và con Trầm, người yêu của mày đau buồn lắm. Chúng tao sẽ đưa mày về với đồng đội, với gia đình… Mày sống khôn, thác thiêng, Toàn nhá!...”.

Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, bộ đội QĐ4 tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979 (Ảnh: Bảo tàng QĐ4 cung cấp)

Thế rồi cuộc chiến giúp bạn đã đến hồi kết thúc, trên đoàn xe trở về Tổ quốc, trong lúc dừng nghỉ, ông Hồng thấy một cụ già và một cô gái dẫn một thanh niên đi tới. Thấy vậy ông Hồng tiến tới hỏi thăm và nhận thấy người thanh niên quen quen, tóc tai lâu ngày không cắt trùm kín mang tai, cái miệng cứ chúm chím như con gái và đôi mắt cứ ngây ngây, dại dại… “Đứa nào trông như thằng Toàn? Thằng Toàn đã chết mấy năm nay rồi cơ mà…”. Ông Hồng vừa nói và như không tin vào mắt mình nữa choàng tới ôm lấy Toàn. Toàn! Toàn đấy phải không? Toàn thông tin 2 oát phải không? Em đã hy sinh rồi cơ mà, đơn vị đã chôn em trong nghĩa trang sao bây giờ em lại ở đây? Có phải em đấy không hả Toàn? Từ ấy đến giờ em ở đâu Toàn? Ôi, nhưng Toàn đã mất trí nhớ rồi các đồng chí ơi! Mọi người chứng kiến sự việc đều xúc động, hai mắt nhỏ lệ. Chợt bà má Campuchia lên tiếng: Cho tôi gửi thằng con trai về Việt Nam. Qua câu chuyện bà má kể lại, ông Hồng mới biết hóa ra anh Toàn không hy sinh, anh bị thương rất nặng và nằm thoi thóp trong một lùm cây. Nhờ bà má Campuchia và con gái cứu sống, nuôi giấu bí mật trong một hang đá. Hôm nay, nghe tin bộ đội Việt Nam về nước, bà cùng con gái đưa anh Toàn ra gặp để gửi về Việt Nam.

Đó là câu chuyện rất cảm động của đại tá Hồng kể về thời đơn vị ông chiến đấu ở mặt trận Campuchia giáp với biên giới Thái Lan. Chúng tôi muốn kể lại câu chuyện này với sự trân trọng của thế hệ lớn lên trong hòa bình đối với thế hệ cha anh đi trước đã quên mình vì nhiệm vụ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế.

 Kỳ 10: …Đánh là dứt điểm

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU    

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5325
Quay lên trên