Quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa – Kỳ 2

Cập nhật: 15-11-2021 | 09:40:28

 

Kỳ 2: Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích

Bên cạnh công tác bảo tồn, tôn tạo, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) cũng rất quan tâm đến công tác phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, ngành đang xây dựng đề án đến năm 2030 để trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được và thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích.


Trong thời gian qua, Di tích Nhà tù Phú Lợi là một trong những di tích thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu

Phát huy giá trị các di tích

Hoạt động khai thác, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được thực hiện với hình thức ngày càng phong phú, đa dạng như: Nghiên cứu sưu tầm tư liệu, thực hiện phim tư liệu, in ấn các ấn phẩm giới thiệu về di tích, tổ chức các đợt trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động... Các hoạt động xúc tiến du lịch cũng được đẩy mạnh thông qua việc kết nối với các công ty du lịch lữ hành khảo sát các điểm di tích phục vụ xây dựng tour, tuyến tham quan; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Kết quả cho thấy, số lượng khách tham quan đến với các di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có xu hướng ngày càng tăng, trong đó có nhiều tour du lịch ngoài tỉnh.

Hàng năm, Sở VHTT&DL còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn... xây dựng và tổ chức các chương trình, hoạt động phong trào thiết thực, góp phần đem lại hiệu quả tích cực cho đề án. Các chương trình giáo dục về lịch sử truyền thống được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh và giá trị của các di tích đến với thế hệ trẻ và công chúng. Hàng năm, trong chương trình học đường “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho các em tham quan học hỏi và thực hiện chăm sóc, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp và tạo mỹ quan cho di tích. Sở VHTT&DL còn phối hợp với các trường, địa phương tổ chức “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - Ngày về nguồn 23-11” với mục đích tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa Ngày Di sản Việt Nam; tổ chức cho học sinh, sinh viên tham dự lễ tưởng niệm “Ngày Phú Lợi căm thù” 1-12 tại Di tích Nhà tù Phú Lợi; phối hợp tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu về lịch sử vùng đất và con người Bình Dương; phát động chương trình giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh cho đoàn viên, thanh niên.

Hàng năm, các địa phương còn chọn các di tích LS-VH tiêu biểu trên địa bàn làm địa điểm tổ chức hội trại giao quân, góp phần giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc cho tuổi trẻ trước khi lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc... Để phát huy giá trị di tích gắn liền với du lịch, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, một số địa phương còn tổ chức các hoạt động nhằm kết nối các điểm di tích LS-VH vào chương trình tham quan du lịch của các đơn vị lữ hành, phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh. Điển hình như TX.Tân Uyên đã tổ chức lễ hội “Hương bưởi Bạch Đăng”, tổ chức thí điểm tuyến điểm du lịch trên địa bàn; TP.Thuận An phối hợp tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”.

Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh

Qua 15 năm thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại nhất định cần khắc phục trong thời gian tới. Để tiếp tục thực hiện các nghị quyết, Luật Di sản hiệu quả hơn cũng như phát huy kết quả đạt được của đề án trong thời gian qua, theo ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, sở đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép ngành xây dựng đề án đến năm 2030 và triển khai thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Cũng theo ông Thái, trong thời gian tới, ngành VHTT&DL sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, sở cũng kiến nghị UBND tỉnh xây dựng chế độ đãi ngộ đối với những người trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc ban quản lý, Tổ bảo vệ di tích; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích LS-VH, các địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý chỉ đạo, kiểm tra, đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt là công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý cho hệ thống di tích trên địa bàn, công tác kêu gọi đầu tư, công tác giám sát trong hoạt động tôn tạo, tu bổ di tích. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, có trình độ, năng lực chuyên môn…

Các di tích LS-VH là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh nhà. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích LS-VH có ý nghĩa hết sức đặc biệt, không chỉ góp phần phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa trên địa bàn tỉnh, mà còn khẳng định, giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa trong đời sống tinh thần trong mỗi người dân và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Trong thời gian qua, tỉnh đã chọn huyện Dầu Tiếng để thực hiện thí điểm việc thành lập Ban quản lý Di tích cấp huyện bằng hình thức quản lý tự chủ, bước đầu đã mạng lại những hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 2 di tích đã triển khai mô hình quản lý di tích thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện, gồm: Ban quản lý Di tích Chiến khu Vĩnh Lợi (TX. Tân Uyên) và Ban quản lý Di tích Chiến khu Thuận An Hòa (TP.Thuận An). Điểm nổi bật nữa đó là tất cả di tích xếp hạng cấp tỉnh đều thành lập Ban/Tổ quản lý di tích phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1424
Quay lên trên