“Rối tung” đào tạo tại chức!

Cập nhật: 14-12-2010 | 00:00:00

Mục đích ban đầu của hệ đào tạo tại chức là nâng cao, bổ sung kiến thức cho những người đã có thâm niên công tác do trước đây, trong giai đoạn lịch sử của chiến tranh và sau chiến tranh họ chưa có điều kiện để học tập, nâng cao trình độ. Hòa bình lập lại, họ được đi học chuyên tu, tại chức là để nâng cao trình độ nhằm mục đích phục vụ xã hội. Đây là một cố gắng hoàn toàn chính đáng, đáng ghi nhận. Thế nhưng thời gian  qua, ngành giáo dục - đào tạo nước ta chủ trương xã hội hóa giáo dục đã vô tình biến xã hội trở thành một xã hội bằng cấp. Đào tạo hệ tại chức cho ra các cử nhân, kỹ sư hệ tại chức nhưng thực chất về trình độ thì có bao nhiêu phần trăm là xứng với tấm bằng đó. Một bộ phận trong giới trẻ ngày nay, họ không chịu học tập, mải vui chơi dù điều kiện học tập là “thênh thang”, nhưng vì không đủ trình độ để vào trường chính quy, nhờ vật lực của gia đình mà luồn lách vào cơ quan Nhà nước, sau đó đi học tại chức.

Giáo sư Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đã nhận xét một cách ngắn gọn về thực trạng đào tạo hệ tại chức là “xô bồ, lỏng lẻo và tùy tiện”. Việc mở rộng các hình thức đào tạo khác nhau nhằm tạo điều kiện cho nhiều người được học, hướng tới xây dựng một xã hội học tập suốt đời là một hướng đi đúng. Nhưng vấn đề đào tạo tại chức hiện nay không ổn do sự lệch lạc trong động cơ của người dạy, người học và của cơ sở đào tạo. Nhiều trường hiện nay cố gắng phình to quy mô đào tạo tại chức chỉ với mục đích tăng thu nhập. Việc tổ chức, quản lý lớp học lỏng lẻo, cách dạy thì tùy giảng viên, thi cử tương đối dễ dãi... Có thể nói đào tạo tại chức đang rối tung lên! Ngoài ra, không ít người dị ứng với cả chuyện đào tạo sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng kiểu này. Nhiều kỹ sư, cử nhân tại chức có “phép mầu”, leo rất nhanh và họ cũng có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hẳn hoi, nhưng họ đóng góp được gì cho xã hội? Vì vậy cần có chuẩn khe khắt và chặt hơn trong việc đào tạo trên đại học.

Đào tạo của hệ tại chức ngày nay đã bị biến tướng quả là không sai. Tại chức hiện nay chủ yếu phục vụ những đối tượng chạy theo bằng cấp, bằng mọi cách để có tấm bằng xin việc, có bằng để hợp thức hóa các quy định về tuyển dụng. Tất nhiên là không thể đánh đồng mọi người. Dù không phải như vấn nạn bằng cấp, chứng chỉ giả, nhưng việc đào tạo tại chức đã đến lúc cần được “mổ xẻ”. Dù đau nhưng thế mới hy vọng chữa hết bệnh. Nhắc đến giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà đã từng nói: Việc một bộ phận quan chức, cán bộ Nhà nước tìm mọi cách để có bằng cấp, bảo đảm tiêu chí để được tuyển dụng, được thăng quan tiến chức cho thấy có một khoảng tối của “nền học vấn quan trường”. Thật đáng suy ngẫm!

THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=523
Quay lên trên