Rộng mở con đường phát triển

Thứ ba, ngày 22/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Sau 28 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp tập trung, phát triển thương mại - dịch vụ đi kèm nhằm đi trước mở đường tạo động lực phát triển.

 Khu công nghiệp VSIP 3, biểu tượng khu công nghiệp sinh thái tại Bình Dương

Hành trình nhiều nỗ lực

Nhờ vào tầm nhìn đúng đắn, nhất quán trong quy hoạch và định hướng phát triển của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, ngay từ khi thực hiện chủ trương đổi mới đất nước, tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư hạ tầng, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, từ đó thu hút doanh nghiệp đến sản xuất, tạo việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách và từng bước phát triển toàn diện.

Ngay từ những năm đầu đổi mới, tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã đi trước một bước khi định hướng phát triển công nghiệp gắn liền với quy hoạch hạ tầng và dịch vụ - đô thị. Các Khu công nghiệp (KCN) như Việt Nam - Singapore, Sóng Thần, Mỹ Phước, Bàu Bàng... không chỉ thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong và ngoài nước, mà còn tạo ra hệ sinh thái sản xuất hiện đại, đồng bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn vùng. Cùng với đó, việc thành lập Tổng Công ty Becamex IDC đã đóng vai trò chủ lực trong việc đầu tư, phát triển KCN - đô thị - dịch vụ một cách đồng bộ. Đáng chú ý, mô hình phát triển KCN của Bình Dương thành công vượt bậc bởi có cách làm riêng, đó là đầu tư hạ tầng, giao thông và kỹ thuật để kết nối các KCN với các khu đô thị và cảng biển lớn đồng bộ, bài bản ngay từ đầu.

Cột mốc lớn mang tính mở đường là tỉnh đã giao Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 13. Công trình đã tạo động lực cho Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ phát triển. Trong hành trình đi tới, Bình Dương không phát triển một cách đơn lẻ mà chủ động phối hợp chặt chẽ với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… để hình thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năng động, hiệu quả. Bình Dương đã và đang quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13... Những cung đường trọng điểm như Đại lộ Bình Dương, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, Quốc lộ 13 mở rộng, Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh… thúc đẩy hình thành mạng lưới giao thông liên kết vùng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển đô thị hiện đại.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, nói: “Chúng tôi luôn tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao. Việc mở rộng KCN VSIP không chỉ hướng đến việc cung cấp mặt bằng công nghiệp mà còn chú trọng đến hệ sinh thái gồm các khu đô thị, dịch vụ, thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng sống cho lực lượng lao động”.

 Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, từng khẳng định: Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương là sự hoán chuyển những bất lợi thành lợi thế tạo nên chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá đi lên. Là sự kết hợp giữa khát vọng chinh phục những đỉnh cao với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo cùng chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi của Trung ương được cụ thể hóa, tích hợp với cách làm linh hoạt, sự vận dụng sáng tạo của địa phương, sự đồng hành chia sẻ của doanh nghiệp và người dân; giữa sự gắn kết chặt chẽ mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa… Tất cả đã tạo nên một Bình Dương vững mạnh ngày nay.

Xây dựng hệ sinh thái mới

Một dấu ấn không thể không nhắc đến là Bình Dương đã triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, hợp tác với các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF)… Bình Dương hướng đến mô hình đô thị hiện đại, phát triển dựa trên tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Bình Dương đang thực hiện mạnh mẽ chiến lược “vùng đổi mới sáng tạo”, với hạt nhân là TP.Thủ Dầu Một - Thành phố mới Bình Dương - TP.Tân Uyên và TP.Bến Cát, kết nối giao thông liên vùng và quốc tế. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu quan trọng đưa Bình Dương sớm vượt qua các thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Hiện nay, Bình Dương đã và đang triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển hệ sinh thái mới, tập trung cho đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, Bình Dương phát triển xanh hóa nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ. Đây là ưu tiên hàng đầu, trở thành yếu tố đặc trưng, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Với những nỗ lực không ngừng, Bình Dương đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều tập đoàn quốc tế lớn. Từ các hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh đến những chuyến hội thảo xúc tiến đầu tư tại các nước, lãnh đạo tỉnh khẳng định Bình Dương đang chuyển mình trong giai đoạn phát triển mới, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chíp bán dẫn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên, Bình Dương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý, tận dụng nội và ngoại lực để thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế công nghiệp trong giai đoạn mới. Nhờ đó, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện và Bình Dương luôn ở tốp đầu theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các KCN của tỉnh được vận hành theo cách tiếp cận quốc tế, thu hút được các tập đoàn lớn, hiện thực hóa khát vọng thông minh hơn, bền vững hơn... Điều mà ông Niels B. Christiansen, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lego (Đan Mạch), đã khẳng định khi khánh thành Nhà máy Lego tại Bình Dương: “Ngày hôm nay đánh dấu cột mốc quan trọng khi Lego chính thức khánh thành nhà máy thứ 6 trên toàn cầu. Thông qua việc mở rộng năng lực sản xuất, nhà máy công nghệ cao này thể hiện cam kết của chúng tôi đối với phát triển bền vững”.

 Với chủ trương lấy công nghiệp làm động lực chính, Bình Dương đã không ngừng mở rộng quy mô và số lượng các khu công nghiệp. Đến nay, Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 12.721 ha, chiếm 13% tổng diện tích khu công nghiệp cả nước. Đó cũng là cơ sở để Bình Dương trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Lego (Khu công nghiệp VSIP 3) của Tập đoàn Lego

 TIỂU MY - THANH TUYỀN