Rừng Kiến An: Nơi ghi dấu nhiều hoạt động cách mạng

Cập nhật: 20-07-2020 | 07:42:40

Những ngày tháng 7 lịch sử này chúng tôi có dịp trở lại căn cứ lịch sử cách mạng rừng Kiến An, trên địa bàn xã An Lập, huyện Dầu Tiếng. Nghe cán bộ thuyết minh di tích giới thiệu về lịch sử gắn liền với khu rừng này, chúng tôi - những thế hệ đi sau, càng tự hào hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng và tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông đi trước...


Khách tham quan nghe nhân viên thuyết minh giới thiệu về một sự kiện lịch sử gắn với hố bom B52 trong khu di tích

Về với Kiến An

Rừng Kiến An nằm cách trung tâm huyện Dầu Tiếng khoảng 25km, có diện tích khoảng 245 ha. Đường đến với rừng Kiến An ngày nay khá thuận tiện, khách ở xã chỉ cần gắn định vị đến UBND xã An Lập là có thể tìm đến di tích một cách dễ dàng. Từ năm 2012, di tích đã được tỉnh đầu tư xây dựng các hạng mục, gồm: Cổng chào, nhà bảo vệ, nhà trưng bày truyền thống, cây xanh và các khu hầm tái hiện hình ảnh đấu tranh của lực lượng cách mạng trong những năm kháng chiến. Năm 2015, công trình đã được bàn giao cho huyện Dầu Tiếng khai thác sử dụng. Hiện nay, di tích lịch sử rừng Kiến An do Ban Quản lý di tích huyện quản lý, khai thác phát huy giá trị di tích.

Bước chân qua cổng chào di tích khá hoành tráng, chúng tôi được chị Đặng Thị Cẩm Tú, nhân viên Ban Quản lý di tích huyện dẫn đi tham quan một vòng. Điểm đầu tiên mà chúng tôi được giới thiệu là nhà truyền thống của di tích. Nhà truyền thống được xây dựng khá rộng rãi, khang trang. Bên trong, ngoài mô hình thu nhỏ của di tích, còn trưng bày thêm nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với lịch sử khu di tích này. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích huyện còn trưng bày thêm các bằng xếp hạng di tích trên địa bàn huyện và các chuyên đề khác để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách khi đến với di tích này.

Sau khi tham quan, nghe nhân viên thuyết minh giới thiệu, mọi người có thể ghé bàn đặt gần cửa ra vào để lưu lại những dòng cảm nghĩ về khu di tích này. “Tuyệt vời! 35 năm quay lại vùng đất này. Một vùng đất ngày ấy nay đã hồi sinh cùng với sự phát triển đất nước...”, đó là đôi dòng cảm xúc của một người có tên Huỳnh Kim Ngân khi đến thăm khu di tích này ngày 1-5-2020 vừa qua.

Thêm một điểm nhấn nữa khi đến với khu di tích này là khu tái hiện lại những căn hầm công sự, giao thông hào, những mái nhà lá ẩn hiện giữa khu rừng. Những mái nhà lợp bằng lá trung quân, bên dưới là những căn hầm được tái hiện lại nhằm giới thiệu cho mọi người khi có dịp đến đây về nơi ăn, chốn ở và làm việc của lực lượng cách mạng năm xưa. Những căn hầm này kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào. Rải rác giữa những con đường nhỏ nối liền các hạng mục trong khu di tích, chúng ta còn bắt gặp những bảng giới thiệu về những hố bom B52, những loại cây rừng... để khách có thể tìm hiểu thêm.

Lịch sử vẫn còn đó

Theo giới thiệu của chị Đặng Thị Cẩm Tú, rừng Kiến An đã được chọn làm căn cứ cách mạng từ thời Pháp thuộc. Đây là một khu rừng già, lại nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, nên được xem là vị trí đắc địa, có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, rừng Kiến An là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị chủ lực của ta. Do có vị trí chiến lược quan trọng lại sát với trung tâm Bến Cát, nên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các lực lượng kháng chiến tiếp tục chọn rừng Kiến An làm căn cứ để xây dựng lực lượng. Nơi đây từng là căn cứ trú đóng của lực lượng an ninh Thủ Dầu Một, lực lượng Sư 9, Huyện ủy Bắc Bến Cát và các đơn vị chủ lực miền lúc bấy giờ.

Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Kiến An là một minh chứng sống động cho việc hình thành căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một. Phát huy lợi thế của một cánh rừng già, với nhiều loại cây rừng chằng chịt, phủ kín, rừng Kiến An trở thành nơi giữ quân, che chở cho cán bộ chiến sĩ hoạt động, bảo đảm an toàn cho các đơn vị chỉ huy, làm bàn đạp cho các cuộc tiến công của quân ta lúc bấy giờ.

Hòa bình lập lại, rừng Kiến An đến nay vẫn xanh màu lá, sừng sững hiên ngang giữa đất trời. Những hố bom B52 nay không còn rõ nét do bị cây rừng che bớt, nhưng vết tích của nó đã được ghi lại bằng những bảng tên cắm rải rác khắp khu rừng như một minh chứng về một thời kỳ chiến tranh ác liệt. Ngày 2-6-2004, căn cứ cách mạng rừng Kiến An đã được công nhận là di tích cách mạng cấp tỉnh.

Những cánh hoa bằng lăng tím mùa này đã nở rộ quanh khuôn viên khu nhà truyền thống. Những đoàn khách tìm về đây ngày một nhiều hơn như chứng tỏ cánh rừng già xưa đang hồi sinh trở lại. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn đang được ngành văn hóa, Ban Quản lý di tích huyện Dầu Tiếng tích cực triển khai thực hiện.

Với những giá trị lịch sử gắn liền với di tích này, rừng Kiến An luôn là một địa chỉ về nguồn, một điểm đến ý nghĩa về mặt lịch sử. Những người đi sau khi đến với di tích này sẽ càng hiểu hơn về lịch sử, về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quân và dân ta, để từ đó thêm tự hào về truyền thống cha ông.

 CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1839
Quay lên trên