Năm nay, Lễ hội “Mùa trái chín” do tỉnh Bình Dương tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 22-6 tại khu vực Cầu Ngang (phường Hưng Định, TP.Thuận An). Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương chuẩn bị cho công tác tổ chức lễ hội diễn ra theo đúng kế hoạch, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bình Dương.
Người dân và du khách tham gia mua sắm trái cây tại lễ hội năm 2023
Sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn
Lễ hội “Mùa trái chín” đã trở thành thương hiệu, sự kiện văn hóa lớn trong nhiều năm qua, thường được tổ chức vào mùa trái cây ở khu vực Cầu Ngang chín rộ (tháng 5 âm lịch hàng năm) nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bình Dương và những sản phẩm trái cây đặc sản đến với du khách gần xa. Lễ hội còn là dịp để tỉnh nhà, các địa phương, đơn vị kết nối, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư vào du lịch nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch của tỉnh nhà ngày càng phát triển hơn.
Với những ý nghĩa thiết thực đó, lễ hội năm nay được tỉnh rất quan tâm và đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với TP.Thuận An (nơi diễn ra lễ hội), các địa phương khác cùng chuẩn bị chu đáo để lễ hội diễn ra thành công, khẳng định thương hiệu, tạo không gian lễ hội an toàn, vui tươi, lành mạnh, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.
Theo ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở VHTT&DL, dự kiến lễ hội năm nay sẽ có khoảng 100 gian hàng tham gia với nhiều hoạt động phong phú phục vụ người dân và du khách đến tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí. Hoạt động phục vụ xuyên suốt trong thời gian diễn ra lễ hội năm nay là hội chợ trái cây và liên hoan ẩm thực - du lịch với chủ đề “Ngọt ngào phương Nam”. Cùng với các gian hàng giới thiệu các loại trái cây, sản phẩm chế biến từ trái cây nổi tiếng của Bình Dương như măng cụt, sầu riêng, bưởi..., trong không gian này còn có các loại trái cây đặc sản của các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông và Tây Nam bộ cùng tham gia trưng bày giới thiệu, phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng thức của người dân và du khách.
Cùng với đó, lễ hội năm nay còn có các hoạt động trưng bày trái cây tạo hình nghệ thuật; trưng bày hoa lan, chim cảnh; bày bán giống cây ăn trái, sản phẩm gốm sứ, sơn mài và các món ăn, thức uống đặc trưng của Bình Dương, cũng như các tỉnh, thành khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.
Trong chuỗi hoạt động của lễ hội, Sở VHTT&DL sẽ phối hợp Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức hội thi “Duyên dáng Bình Dương” nhằm bình chọn phụ nữ đẹp, duyên dáng, tài năng đại diện nét đẹp văn hóa người Bình Dương. Lễ hội năm nay còn có các hoạt động ý nghĩa, sôi nổi, như: Giải việt dã “Cung đường mùa trái chín”; hội thi ảnh đẹp mùa trái chín với chủ đề: “Sắc màu quê hương”; triển lãm ảnh đẹp du lịch Bình Dương; Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ và chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ hàng đêm.
Khẩn trương chuẩn bị
Tại cuộc họp mới đây nhất, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các tổ chuyên môn lễ hội tập trung triển khai thực hiện các nội dung công việc theo kế hoạch Ban Tổ chức các ngày lễ lớn tỉnh đã phân công, giao nhiệm vụ. Bên cạnh sử dụng nguồn kinh phí ngân sách theo quy định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan tham gia mời gọi, vận động thêm các nguồn lực từ xã hội cùng tham gia để lễ hội được diễn ra sôi nổi, phong phú, thẩm mỹ, đặc sắc, an toàn, thiết thực... nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024, cuối tuần qua, đoàn công tác của Ban Tổ chức lễ hội do ông Bùi Hữu Toàn làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, khảo sát thực tế tại địa điểm tổ chức lễ hội ở khu vực Cầu Ngang. Đoàn đã khảo sát thực tế và nghe các đơn vị liên quan báo cáo tiến độ chuẩn bị mặt bằng, sơ đồ bố trí sân khấu tổ chức lễ khai mạc, bố trí các gian hàng trái cây, ẩm thực, tiểu cảnh trang trí và những nội dung liên quan khác.
Qua kiểm tra, khảo sát, ông Bùi Hữu Toàn đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị mặt bằng, thi công lắp đặt các gian hàng cho từng hoạt động theo kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là chuẩn bị chu đáo cho chương trình lễ khai mạc. Cùng với đó, các đơn vị cần quan tâm chú ý đến công tác phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, có kế hoạch điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý, lưu ý an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan xung quanh khu vực tổ chức lễ hội.
Với sự quan tâm của tỉnh, cùng sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong triển khai các nội dung hoạt động liên quan, Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 do tỉnh tổ chức với nhiều nội dung hoạt động sôi nổi, hấp dẫn sẽ tiếp tục khẳng định được thương hiệu; từ đó tạo nên một sản phẩm du lịch riêng gắn liền với vùng đất và con người nơi đây, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch khi đến Bình Dương, đặc biệt là trong dịp hè.
HỒNG THUẬN