Siết chặt quản lý đào tạo

Cập nhật: 21-03-2014 | 00:00:00

Con số thống kế vừa qua ở TP.HCM làm nhiều người phải giật mình, chỉ trong vài ba năm trở lại đây, có đến cả chục trường trung cấp trên địa bàn thành phố đã “sang tên đổi chủ”; nhiều trường khác cũng đang được rao bán. Tuyển sinh của các trường vốn gặp rất nhiều khó khăn, nay với việc trường đại học được tuyển sinh riêng, tình trạng “chết dần” này được dự báo còn diễn tiến nhanh hơn trong thời gian tới.

 Chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hàng hóa thuần túy làm ăn không hiệu quả, thua lỗ dẫn đến phá sản, đóng cửa, đằng này lại liên quan đến lĩnh vực giáo dục, một lĩnh vực đặc thù mà khi “sang tên đổi chủ” sẽ có sự tác động rất lớn đến tâm lý, suy nghĩ của người dân. Nhiều người có lý do để lo, vì khi trường chuyển sang chủ nhân mới liệu họ có tiếp tục duy trì nội dung, chương trình, cách dạy học như trước hay không, hay lại “một phen” thay đổi theo cách quản lý mới, cách đào tạo mới và liệu việc thay đổi cách dạy có tốt hơn hay không?

Nhiều lãnh đạo trường ngoài công lập nói họ rút lui vì khó khăn đầu vào, nội bộ lủng củng, tâm lý chán ngán làm giáo dục và “đổ lỗi” cho quy định giảm dần đại học và ngừng tuyển sinh trung cấp vào năm 2017. Nhưng dù lý do gì đi nữa thì người chịu thiệt lớn nhất cũng sẽ là học sinh, sinh viên đã và đang “trót” gắn bó với các trường ngoài công lập này...

Việc xã hội hóa lĩnh vực giáo dục là một chủ trương đúng đắn nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, nhưng cách làm của các ngành liên quan thời gian qua chưa tốt, còn lỏng lẽo, dẫn đến một thực tế là việc thành lập một trường đại học, cao đẳng hay trung cấp nghề ngoài công lập quá dễ, kéo theo đó là khó kiểm soát được chất lượng đào tạo.

Giáo dục là lĩnh vực đặc thù, là “sự nghiệp trồng người” nên không thể cân đo đong đếm bằng thiệt hơn về vật chất. Do vậy, việc siết chặt quản lý, có quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về tiêu chuẩn để được thành lập trường là điều cấp bách phải làm để các trường không phải bị “bán” như thực tế hiện nay.

 HOÀNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=361
Quay lên trên