Siêu phẩm của người Thu Lao ghi danh Guinness Việt Nam
Theo dõi Báo Bình Dương trên
“Si Ma Cai – Hương sắc vùng cao” được hoàn thiện với mong muốn bảo tồn, phát huy các nét văn hoá đặc trưng nơi đây.
Tổ chức Vietnam Book of Records đã xác nhận ghi danh tác phẩm “Si Ma Cai - Hương sắc vùng cao” vào Kỷ lục Việt Nam. Bức tranh thêu tay thủ công do 30 nghệ nhân là người Thu Lao (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) thực hiện liên tục trong 3 tháng qua.
Bức tranh rộng tới 12,5m2 bằng chất liệu sợi vải lanh tái hiện nét văn hóa đa sắc của cộng đồng 15 nhóm, ngành dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết ở vùng núi Si Ma Cai. Những sinh hoạt và tập quán truyền thống khá thú vị được mô tả rõ nét như trang phục, nhà ở, lễ hội, chợ phiên, nghi lễ dân gian, di sản tiêu biểu. Phần nền của bức tranh là phong cảnh núi non hùng vĩ, ruộng bậc thang bao quanh, nhà trình tường cổ kính…
Cộng đồng người Thu Lao (có khoảng 1.000 người) có lối sống khá khép kín với thế giới bên ngoài tại hai huyện Si Ma Cai và Mường Khương (Lào Cai), được xếp vào nhóm ngành dân tộc Tày nhưng có ngôn ngữ khác, hiện chưa được ghi tên là một dân tộc riêng biệt. Cúng Thần rừng và cúng Tổ tiên là nghi lễ lớn nhất của người Thu Lao. Cư trú tại vùng núi cao khó khăn, cuộc sống còn nhiều phần tự cung tự cấp, nên người Thu Lao vẫn trồng bông dệt vải nên nghề dệt còn được lưu truyền đến nay. Sản phẩm dệt (từ vỏ cây lanh bản địa) thủ công của phụ nữ Thu Lao được thêu, nhuộm chàm đen và trang trí họa tiết khá công phu.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Phùng Minh Thắng – Trưởng phòng Văn hóa huyện Si Ma Cai, cho biết tỉnh Lào Cai có 41 di sản Quốc gia, trong đó có 14 di sản liên quan nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc. “Si Ma Cai – Hương sắc vùng cao” được hoàn thiện với mong muốn bảo tồn, phát huy các nét văn hoá đặc trưng nơi đây.
Ghi danh kỷ lục cho bức tranh là cột mốc có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá vẻ đẹp con người và vùng đất Si Ma Cai. Năm ngoái, nghề dệt thủ công truyền thống của người Thu Lao đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Sản phẩm đặc trưng riêng có được làm thủ công mang giá trị bản địa rất cao đã trở thành nguồn tài nguyên văn hóa trong định hướng phát triển du lịch, kinh tế của các địa phương ở Lào Cai. Những sản phẩm dệt của người Thu Lao được khách du lịch rất ưa chuộng.
Tuy nhiên, Lào Cai cũng như nhiều địa phương khác, đang gặp khó khăn trong việc gìn giữ, phát triển nghề thủ công khi sản phẩm công nghiệp đang cạnh tranh khốc liệt.
Theo baolaocai.vn