Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng góp phần khơi thông, giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm về giao thông kết nối vùng đang được Bình Dương quyết tâm thực hiện. Việc sớm hoàn thiện đầu tư các công trình này cũng đồng nghĩa với việc nhanh chóng thúc đẩy kết nối vùng, mở rộng không gian phát triển.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công nói chung và các dự án giao thông kết nối vùng nói riêng, thời gian qua tỉnh đã mở “chiến dịch” giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án. Bởi, GPMB hiện đang là một “nút thắt” gây trở ngại, làm chậm tiến độ xây dựng các công trình. Trong chiến dịch này, công tác GPMB cho các dự án trọng điểm như đường Vành đai 3 đang được tập trung cao độ, tạo điều kiện thuận lợi để các công trình hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Vành đai 3 là tuyến đường trọng điểm quốc gia, đóng vai trò kết nối các tỉnh vùng Đông Nam bộ, tạo nền tảng để các địa phương trong vùng tăng cường tính liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển trong giai đoạn mới. Với ý nghĩa đó, dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân trong vùng dự án. Do đó, đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ việc triển khai dự án. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, xem xét để có chính sách áp giá đền bù GPMB phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân trong vùng dự án, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa…
Việc chú trọng đẩy nhanh thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… được kỳ vọng sẽ tạo ra một “cú hích” phát triển mới không chỉ cho Bình Dương mà còn cho các tỉnh, thành trong khu vực. Do đó, thời gian qua lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ cũng đã tổ chức các hội nghị nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động, tạo sức mạnh đoàn kết để cùng nhau tìm giải pháp, đẩy nhanh kết nối vùng, trong đó có việc thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Điều này cũng sẽ giúp các tỉnh, thành trong vùng nhanh chóng giải quyết các vướng mắc liên quan để triển khai các công trình giao thông kết nối vùng.
Sớm hoàn thiện đầu tư, nhanh mở rộng kết nối vùng cũng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/ TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới…
ĐÀM THANH