Ở đời, phàm những gì không thể khắc phục thì con người phải tìm cách để sống chung, ví dụ như sống chung với lũ, sống chung với vấn nạn ô nhiễm môi trường và gần đây nhất là sống chung với... cúp điện! Có thứ dễ chịu khi sống chung, nhưng có thứ thì vô cùng khó chịu khi chỉ nhìn thấy, nghĩ tới chứ nói gì sống chung! Cúp điện tuy không chết ai, nhưng là “đối tác” sống chung khó chịu nhất của cả doanh nghiệp và người dân trong những ngày vừa qua và cả những ngày sắp tới.
Nguyên nhân cúp điện thì ai cũng biết, là do thiếu nước cung cấp cho các nhà máy thủy điện, do thiếu hụt công suất nguồn lên lưới... Hệ lụy kéo theo của việc cúp điện thì “mỗi người mỗi vẻ” nhưng có điểm chung là làm đảo lộn tất cả các kế hoạch sản xuất, kinh doanh và cả nghỉ ngơi, thư giãn. Đối với doanh nghiệp, cúp điện đồng nghĩa với việc không hoàn thành kế hoạch sản xuất, tăng chi phí nhưng giảm doanh thu; đối với người lao động thì thu nhập giảm sút; đối với người dân thì công việc làm ăn kinh doanh bị gián đoạn, đời sống sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn. Đó là chưa kể cúp điện còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác như giao thông thiếu an toàn, mất an ninh trật tự...
Trong cái nóng oi nồng của mùa khô, cộng thêm với cúp điện, mọi tầng lớp người dân trong xã hội đều bị ảnh hưởng. Người dân ở nông thôn còn có chỗ là ao cá, vườn cây để “trốn nóng” trong những ngày cúp điện, còn người dân phố thị thì đành “trân mình” chịu trận; có chăng cũng chỉ quanh quẩn ở các quán cà phê, siêu thị, nhà sách nhưng nào dám muối mặt ở lâu! Cúp điện còn kéo theo cúp nước, vì hiện có không ít hộ gia đình sử dụng điện để bơm nước từ giếng khoan. Đã không có điện mà còn không cả nước thì cuộc sống sinh hoạt thử hỏi làm sao không đảo lộn! Có người ví cuộc sống của gia đình họ trong những ngày cúp điện chẳng khác gì cách đây vài thập niên.
Bao giờ mới hết cúp điện là câu hỏi không mới, nhưng cho đến nay vẫn không có câu trả lời. Không trả lời được câu hỏi trên là do không giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Chúng ta xem trọng thủy điện thì hiện nay thủy điện đã bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục và để lại hậu quả nặng nề, dài lâu. Nhiệt điện không được chú trọng phát triển là do giá thành nguồn điện làm ra đắt đỏ, nguồn năng lượng hóa thạch phục vụ nhiệt điện đang ngày càng cạn kiệt. Trước tình hình thường xuyên thiếu điện trong mùa khô hàng năm, Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhưng khi nào dự án được đưa vào xây dựng, vận hành cũng không ai biết chắc nên câu hỏi bao giờ hết cúp điện đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
Câu nói cửa miệng của người dân trong những ngày này vẫn là lời của bài hát đồng dao “lạy trời mưa xuống...”. Điều đó là dễ hiểu bởi có mưa thì mới có nước để phát điện, mới hết cái cảnh chạy quanh “trốn nóng” trong những ngày bị cúp điện như hiện nay.
LÊ QUANG