Song hành hai nhiệm vụ

Cập nhật: 09-10-2021 | 07:54:39

Ngoài nội dung quan trọng là tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII bàn thảo, một vấn đề khác được dư luận rất quan tâm là việc thực hiện song hành hai nhiệm vụ trong thời gian tới: Sớm kiểm soát, đẩy lùi, thích ứng an toàn với dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…

Hội nghị đã đặt ra yêu cầu cần tổng kết, đánh giá hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội và sức khỏe nhân dân; từ bài học kinh nghiệm đúc rút trong thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp và khả thi nhất. Dịch bệnh đang từng bước được đẩy lùi, đó là thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân ta. Thực tiễn đó đòi hỏi phải kịp thời có những chủ trương, định hướng phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh tái bùng phát, cả xã hội phải thích ứng an toàn dịch bệnh trong tình hình mới; kịp thời tạo nguồn lực để ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư công; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các “nút thắt” và “điểm nghẽn” cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là những doanh nghiệp đã và đang bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19... cần được quan tâm, tạo điều kiện để tái hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, tạo điều kiện cho giai đoạn phục hồi và phát triển có thể còn không ít khó khăn.

Đồng thời, cần có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tránh dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế trong nước bị “lỡ nhịp” trong xu hướng hồi phục kinh tế toàn cầu. Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ “hậu Covid-19” và đề ra các giải pháp tổng thể kích thích phát triển nền kinh tế. Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ; chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, công nhân, người lao động, người yếu thế trong xã hội…

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên