Những năm gần đây, thực hiện đổi mới nền kinh tế và hội nhập với quốc tế, đất nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao: số hộ khá giàu ngày một tăng lên, số hộ nghèo ngày càng giảm do sự nỗ lực của bản thân người dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các cá nhân và tập thể, các đơn vị, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù đã nỗ lực rất nhiều ở các địa phương đây đó vẫn còn những hoàn cảnh già yếu neo đơn, nghèo khó, tật nguyền bất hạnh với những chứng bệnh nan y, họ có thể là nạn nhân của những trận thiên tai bão lụt nên đã nghèo lại càng nghèo hơn hoặc bỗng chốc trắng tay, cùng lúc mất nhiều người thân... mà nếu không có những tấm lòng nhân hậu sẻ chia, họ sẽ khó vượt qua được cảnh đời khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền. Để có điều kiện sửa chữa lại những mái nhà xiêu vẹo không đủ che nắng che mưa, hay những trái tim bé thơ bị khiếm khuyết được chữa trị kịp thời để có được nhịp đập bình thường như những người khác, đối với họ chỉ là giấc mơ.
Đến với những hoàn cảnh như vậy là những người có tấm lòng vàng, là những đơn vị, doanh nghiệp xem công tác từ thiện xã hội là nguồn vui sống, xem hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của chính mình. Họ là những tổ chức, doanh nghiệp như Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi & Bệnh nhân nghèo tỉnh, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Bình Dương, Công ty Becamex IDC, Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Yazaki EDS Việt Nam... Hoặc là những cá nhân như bác Phạm Văn Ráng ở Thuận An, ông Phạm Mạnh Cường ở Tân Uyên, Ni sư Thích nữ Thành Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Thọ (Dầu Tiếng), chủ doanh nghiệp điện máy Trung Thảo Nguyễn Thị Giùm (TX.TDM)... May mắn thay xã hội ta có rất nhiều những cá nhân, tổ chức như vậy. Có người hàng chục lần hiến máu nhân đạo, có người không ngại hiểm nguy của bản thân đối mặt với bọn trộm cướp giành giật lại tiền của, mạng sống cho người khác... Họ hết lòng giúp đỡ người khác từ cái tâm, cái đức trong sáng với mong muốn mọi người vơi đi nỗi bất hạnh, chứ không làm từ thiện để lấy tiếng, để được trả ơn...
Nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Trịnh Công Sơn đã viết lời một bài hát đầy ý nghĩa: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi... Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. Còn cuộc đời ta cứ vui...”. Vâng, sống trong đời sống chúng ta cần có một tấm lòng để chia sẻ yêu thương, cùng hỗ trợ nhau để cuộc sống của mỗi người ngày càng đầy đủ, ấm no hơn, để xã hội chúng ta ngày càng phát triển, phồn vinh và tốt đẹp hơn. Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12) xin gửi lời cám ơn đến những tấm lòng nhân hậu!
SONG HƯƠNG