Sự học là vô bờ bến

Cập nhật: 21-07-2011 | 00:00:00

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 vừa diễn ra vào đầu tháng 7 này, có một thông tin khá ấn tượng về một thí sinh với tuổi đời đã trên 61 đã khăn gói lặn lội từ Quảng Trị vào Huế thi đại học, đó là ông Nguyễn Văn Minh (trú tại phường 1, Đông Hà, Quảng Trị). Ông cho biết, nếu thi đỗ, sẽ thuyết phục vợ con để mình được đi học. Điều đọng lại cho bạn đọc trong chuyện này là dù tuổi đã 61 nhưng ông vẫn nuôi dưỡng một ý chí nghị lực được học tập, được làm chủ tri thức. Và ông trở thành một tấm gương hiếu học.

“Không có tài sản nào quý bằng trí thông minh, không vinh quang nào lớn hơn học vấn và hiểu biết” (E.Đô-La - Pháp). Dân tộc Việt Nam có truyền thống là một dân tộc hiếu học. Ngày nay, biết bao tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập, nắm bắt tri thức vẫn xuất hiện thường xuyên trong xã hội mà trường hợp của vị giáo viên tiểu học 61 tuổi trên chỉ là một minh chứng cụ thể. Ngày ngày, những cán bộ, công chức, công nhân... sau ngày làm việc vẫn cắp sách đến trường để tích lũy tri thức, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ. Nhà nước đã có chủ trương phổ cập giáo dục từng bước từ tiểu học, THCS đến trung học. Nói khác đi, với chế độ ta, mọi người đều được tạo điều kiện để học, được nắm bắt tri thức. Ngành giáo dục có các chương trình học dành cho mọi đối tượng từ mầm non đến phổ thông, bổ túc... Trong đào tạo cũng có đào tạo chính quy, tại chức (vừa làm vừa học) từ xa... Rõ ràng, xã hội ta đã và đang trở thành một xã hội học tập. Riêng tại Bình Dương, sự nghiệp giáo dục của tỉnh phát triển không ngừng góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước. Mọi người càng có điều kiện để học tập, nâng cao kiến thức, nắm bắt tri thức. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng, phát triển nhanh. Hệ thống trường lớp được kiên cố hóa, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 hàng năm đạt 100%. Các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập THCS, 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học. Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, đã đề ra chỉ tiêu phát triển trường chuẩn đến năm 2015 đạt từ 60 - 65%.

“Sự học là chìa khóa giúp ta mở tất cả các cánh cửa của cuộc đời và là con thuyền đưa ta đến bến bờ hạnh phúc...”. Cũng chính vì, đời ta có bờ bến, cái hiểu biết là vô bờ bến nên muốn phát triển vươn lên, không có con đường nào khác là tiếp tục tích lũy tri thức, tiếp tục sự học. Vì thế, bên cạnh phát huy truyền thống hiếu học trong mỗi con người Việt Nam, các phong trào hiếu học cần được nhân rộng trong cộng đồng, đặc biệt là việc xây dựng ngày càng nhiều những gia đình hiếu học. Cụ thể, trong dịp chuẩn bị năm học mới 2011-2012, song song với việc vận động trẻ đến tuổi đi học phải được đến trường là chủ trương chống tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học. Đặc biệt, quan tâm hơn đến đối tượng là con em các gia đình thuộc diện nghèo, gia đình vừa thoát nghèo, dân tạm cư. Các tổ chức, đoàn thể, cá nhân với các việc làm có ý nghĩa nhân chuẩn bị bước vào đầu năm học mới như tặng học bổng, tặng quà, dụng cụ học tập, đỡ đầu học sinh nghèo học giỏi... sẽ góp phần nâng bước trẻ đến trường. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài cũng cần được các địa phương, các ngành, đoàn thể quan tâm, duy trì và nhân rộng. Bởi theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu: “Thực tế cho thấy, ở đâu có phong trào khuyến học - khuyến tài tốt thì ở đó việc tổ chức dạy, học trong và ngoài nhà trường, việc chăm lo học tập, rèn luyện đạo đức cho các cháu học sinh, sinh viên sẽ có nhiều thuận lợi, có điều kiện cho người lớn tuổi học tập”.

Dân Thường

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=380
Quay lên trên