Kỳ 2: “Quả ngọt”... từ những chủ trương đúng đắn
Để tạo nên sức sống mới nơi cộng đồng người Khmer hôm nay, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã không ngừng quan tâm, thực hiện những chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội. Trong đó, chủ trương giao đất để bà con định canh, có đất sản xuất đã thực sự tạo ra nhiều “quả ngọt”, mang lại cơm no, áo ấm cho đồng bào.
Hàng ngày, những chức sắc của cộng đồng người Khmer ở xã An Bình như ông Kim Nhỏ, Ngưu Bư (từ trái qua) thường xuyên thăm hỏi, chỉ dẫn cách làm ăn cho bà con trong khu tái định canh
Từ chủ trương đúng đắn
Sau khi được tận “mục sở thị” những căn biệt thự khang trang của bà con Khmer xã An Bình, huyện Phú Giáo, chúng tôi cùng những chức sắc của cộng đồng người Khmer được ông Ngưu Bư dùng xe hơi của gia đình đưa đi thăm khu tái định canh 100 ha của bà con ở ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Khu đất này được ví như “nồi cơm” của nhiều gia đình trong nhiều năm qua. Từ đường ĐT741 vào đến khu đất chỉ 13km, đường nhựa lớn thông thoáng. Thế nhưng theo lời ông Kim Nhỏ, hơn 15 năm trước, để vào, ra canh tác mỗi ngày, bà con phải mất hàng chục phút do đường sá xuống cấp lầy lội, nhỏ bé, phương tiện thô sơ.
Chiếc ô tô bóng loáng của ông Ngưu Bư mỗi lúc vượt qua con suối, khúc cua trên cung đường này là các thành viên trong đoàn lại nhớ đến kỷ niệm xưa khi lúc đầu giao đất vùng đất này chỉ là sỏi cơm, đất trống, đồi trọc. Mỗi cơn gió đi qua là bụi tung mù mịt. Khi những kỷ niệm xưa còn đang ùa về thì đoàn của chúng tôi đến nơi lúc nào không hay. Trước mắt tôi là một màu xanh ngắt của những vườn điều, cao su và cây trái khác. Xen lẫn những tán lá sum suê là những màu đỏ, màu vàng của những trái điều mọng nước, bao phủ khắp một vùng đất rộng lớn, khiến tôi không khỏi xúc động trước sự đổi thay trên vùng đất này. Bên trong khu tái định canh được phân chia từng khu vực bằng các tuyến đường để bà con dễ dàng đi lại, vận chuyển phân bón, thu hoạch.
Chứng kiến thành quả sau bao năm của bà con, già làng Kim Niệm không giấu được niềm vui, nở nụ cười hạnh phúc. Ông nhớ lại, hơn 20 năm trước, đời sống bà con dân tộc của xã An Bình rất nghèo khổ. Bà con không có đất, phải đi phát rừng, sống du canh, du cư. Thấy được tình cảnh này, năm 1998, lãnh đạo huyện đã xin Nhà nước cấp đất cho bà con để có nơi ở, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Nhờ vậy, đến năm 2003-2004, 50% số hộ người Khmer không có đất được cấp mỗi gia đình 1ha đất làm kế sinh nhai.
Theo ông Kim Niệm, bà con dân tộc nơi đây có được khu đất tái định canh như ngày nay là nhờ vào chủ trương của Nhà nước khi triển khai Chương trình 135 - chương trình định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là sự quan tâm, quyết liệt xin đất cho bà con dân tộc của lãnh đạo huyện lúc bấy giờ. “Năm 1998, tôi làm cán bộ xã, anh Hai Công (tức ông Nguyễn Văn Công) làm Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, sau làm Bí thư Huyện ủy Tân Uyên (bao gồm 3 địa phương hiện nay là huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên). Anh rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình chính sách, chủ trương của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Hai Công đã động viên tôi cố gắng đi lấy hết thông tin của từng người, làm nhanh các thủ tục xin cấp đất cho bà con dân tộc, để bà con sớm có đất, ổn định đời sống. Vì ngày đó bà con mình sống du canh du cư nên tôi phải đi khắp các cánh rừng, đến những nơi bà con sống để lấy thông tin làm hồ sơ thủ tục xin cấp đất, đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu chủ trương của huyện, vận động bà con quay trở lại sống định canh, định cư”, ông Kim Niệm bồi hồi nhớ lại.
“Hiện nay đa số bà con dân tộc trong khu tái định canh đều có cuộc sống ổn định, khá giả, chỉ còn duy nhất 2 hộ thuộc diện khó khăn. Kết quả hôm nay có được từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ trong việc hỗ trợ xin cấp đất, cấp vốn, hỗ trợ giống cây trồng và phân bón, đào tạo nghề, tập huấn khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó bà con có đất phát triển sản xuất, ổn định đời sống”. (Bà Bùi Thị Thúy Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo) |
“Quả ngọt” sau hơn 15 năm
Sau hơn 15 năm có đất sản xuất, cộng với sự nỗ lực lớn của bà con người Khmer, khu đất tái định canh đá sỏi ngày nào hôm nay đã “biến” thành đồi xanh, cây trái trĩu cành. Có đất, bà con dân tộc đã đẩy mạnh chăn nuôi, trồng các loại cây trái và có nguồn thu cả trăm triệu đồng/ha/năm.
Mân mê lớp vỏ sần sùi của một cây cao su, ông Kim Niệm cho hay, sau mỗi mùa vụ, hàng ngày bà con đi làm công việc khác kiếm thêm thu nhập. Họ đi cạo mủ cao su mướn, buôn bán ở chợ, con cái họ thì đi làm xí nghiệp. Làm nghề đã đủ ăn nên nguồn thu nhập từ vườn cây hàng năm bà con dân tộc tích lũy để xây nhà, dựng vợ gả chồng cho con, lo cho con cái ăn học. “Nguồn đất này được chính quyền cấp để làm ăn, đời này sang đời khác chứ không được bán... Tôi thấy đây là một chủ trương hợp lòng dân. Giờ đây đời sống bà con khu tái định canh đã ổn định, nhiều nhà khá giả. Đây chính là “quả ngọt” từ những chủ trương đúng đắn”, ông Kim Niệm nói thêm.
Có lẽ hơn ai hết, những hộ dân tay trắng ngày mới có thể cảm nhận được hết hương vị của những mùa “quả ngọt” hôm nay. Anh Kim Minh Thống, hộ dân được cấp đất tại đây chia sẻ: “Nhờ có 1 ha điều, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu cả trăm triệu. Tôi vừa xây được căn nhà mái Thái hơn 500 triệu đồng, mua thêm đất cho con”. Còn anh Thạch Lu, cha của 6 người con nhớ lại: “Trước ngày nhà nước cấp đất, tôi có 3 người con, cuộc sống khi đó khổ lắm, cả nhà sống dưới mái lều che bạt bên khe suối. Hôm được già làng đến thông báo “mày có tên trong danh sách được nhà nước chia đất”, tôi mừng muốn khóc rồi hét lớn: “Có đất rồi, vợ ơi có đất rồi...”. Cả đêm đó tôi không ngủ được, mơ về mảnh đất của mình sẽ trồng cây gì, nuôi con gì....”. Nhờ có 1 ha đất trồng điều, chăn nuôi gà, anh Thạch Lu có nguồn thu mỗi năm hơn trăm triệu đồng, nhà cửa ổn định và đủ khả năng nuôi 3 người con sinh thêm sau này.
Bên cạnh việc được giao đất, trong những năm qua, cộng đồng người Khmer ở xã An Bình còn được chính quyền các cấp quan tâm bằng nhiều chính sách khác như đào tạo nghề, hỗ trợ con em đến trường, hỗ trợ nhà ở cho những hộ nghèo có đất, cho vay vốn sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, cộng đồng người Khmer không chỉ ổn định về kinh tế mà đã vươn lên làm giàu, xây dựng đời sống hạnh phúc, nuôi con cái ăn học thành tài.
Đoàn xe chúng tôi quay lại trung tâm xã, chở theo những nụ cười hạnh phúc và những niềm hy vọng của các vị chức sắc. Dẫu biết còn đó những khó khăn, nhưng nay “đường lớn” đã mở, những mùa “quả ngọt” ấm no từ những chủ trương đúng đắn sẽ tiếp tục được bà con nơi đây gặt hái.
“Ngày đó bà con dân tộc thiểu số của huyện sống nghèo khổ, không có đất phải sống du canh, du cư trong rừng bao nhiêu năm. Tôi luôn trăn trở làm sao phải xin bằng được đất lâm trường cấp cho bà con đồng bào để có đất ở, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Giờ đây, nhìn thấy cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc vùng tái định canh ổn định, tôi vui mừng, phấn khởi lắm”. (Ông Nguyễn Văn Công, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên) |
PHƯƠNG LÊ