Tai, mắt trong dân
Địa bàn rộng, nhân lực ít HĐND phải dựa vào dân mới biết hết chuyện nơi này, nơi kia. Những chuyện dân nêu, dân kêu ít nhiều đều đúng. Nói ít nhiều là bởi có chuyện dân kêu đúng, nhưng có chuyện dân hiểu chưa thấu. Ví như chuyện điện, đường, môi trường dân không nói thì thôi nhưng đã nói là chính xác gần như tuyệt đối. Ở đâu còn điện kế tổng, thu giá cao; ở đâu đường xuống cấp; nơi nào môi trường đang ô nhiễm... dân đã chỉ là trúng phóc! Mới đây nhất, con đập hồ Từ Vân (ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng) xuống cấp, đơn vị chủ quản không hay, đơn vị được giao trực tiếp quản lý không biết, nhưng dân biết. Nghe dân, một ĐB HĐND tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát và nhận ra những điều dân nói là đúng. Nếu dân không chỉ ra, con đập không được duy tu bảo dưỡng dẫn đến vỡ đập thì thiệt hại sẽ lớn biết nhường nào!
Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, cho thấy hiểu biết của người dân cũng đang ngày càng được nâng lên. Nếu như trước đây, người dân chỉ loay hoay với các ý kiến mang màu sắc quyền lợi riêng tư cá nhân hay của một nhóm cộng đồng nhỏ như khu, ấp thì nay đã đổi khác. Người dân hiện đã quan tâm nhiều đến những vấn đề lớn hơn, xa hơn và góp ý cho cả những cơ quan lớn như Chính phủ, Quốc hội. Nếu như trước đây, đa số người dân chỉ quan tâm việc xóa đói giảm nghèo, các vấn đề xây dựng điện, đường, trường, trạm nơi sinh sống; thì ngày nay đã biết quan tâm đến những vấn đề lớn hơn như mức tăng trưởng bình quân đầu người (GDP), lạm phát, tỷ giá... và sẵn sàng góp ý cho những vấn đề lớn như xây dựng nông thôn mới, quy hoạch chỉnh trang đô thị hoặc góp ý cho cả những vấn đề như Vinashin, dự án bô-xít Tây nguyên...
Lắng nghe dân, biết phát huy sức mạnh của dân thì việc gì dù khó mấy cũng xong. Đó là bài học mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết. Thực hiện lời dạy của Người, những “công bộc” của dân thì phải biết lắng nghe dân, đặc biệt ĐB HĐND các cấp càng phải gần dân và biết lắng nghe dân nhiều hơn. Do vậy, về cách thức tổ chức tiếp xúc với dân cần có sự cải tiến, đổi mới. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, ĐB nên nói ít và khơi gợi để dân nói nhiều. Như vậy mới là lắng nghe và khi lắng nghe cũng cần có “nghệ thuật” để hướng dân nói những vấn đề mà ĐB cần nghe, đừng thể hiện thái độ “chịu đựng” khi dân nói và càng không được ngắt lời dân. Có như vậy thì “tai, mắt” trong dân mới được phát huy, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử mới được nâng lên và ĐB HĐND các cấp mới thực sự trở thành chỗ dựa của dân.
LÊ QUANG