Tăng cường bản lĩnh nhà báo

Cập nhật: 21-06-2011 | 00:00:00

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), trên các diễn đàn đã đăng nhiều bài viết về nghề báo, về nhà báo. Đa phần bài viết đều hay, có chiều sâu, đây cũng là dịp để các nhà báo, nhất là nhà báo trẻ có điều kiện rút kinh nghiệm cho nghề nghiệp của mình. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, báo chí Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Báo chí đã đóng góp rất lớn trong quá trình giữ vững sự ổn định chính trị; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội và là diễn đàn của nhân dân; là vũ khi sắc bén để chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch...

Tuy nhiên, bên cạnh tính tích cực vẫn còn nhiều thiếu sót đòi hỏi cơ quan báo chí cũng như nhà báo cần phải khắc phục trong thời gian tới như: Xu thế thương mại hóa, chất lượng nhiều báo chưa cao, tính chiến đấu chưa nổi bật, phát hành quá chênh lệch giữa nông thôn và thành thị; đôi lúc thiếu nhạy bén về thông tin chính trị - văn hóa - kinh tế; vẫn còn nhiều nhà báo thiếu tâm và tầm... Để báo chí theo kịp và đi trước xu thế phát triển chung của xã hội đòi hỏi phải có chiến lược phát triển báo chí một cách khoa học và thực tế, sự phát triển các cơ quan báo chí chỉ là phần cứng mà phần quan trọng có tính chất quyết định là xây dựng đội ngũ nhà báo mang tính chuyên nghiệp, nâng tầm chất lượng. Hiện nay cùng với xu hướng mở rộng mạng lưới báo chí, ngành báo chí cũng thu hút lượng lao động tương đối lớn từ các trường đào tạo về báo cũng như các trường thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội khác; chính điều này làm cho chất lượng đội ngũ nhà báo không đồng đều nhau; trong nhiều cuộc hội thảo về phát triển báo chí Việt Nam các chuyên gia về báo chí có một nhận định thống nhất là khâu đào tạo nghề báo còn nhiều bất cập; nơi thì dạy nhiều về kỹ năng, kỹ thuật; nơi thì quá nặng về lý luận chính trị... Nghề báo là một công việc đặc thù đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vốn sống, nhạy bén và dấn thân, sự thành đạt của nhà báo không phải là bằng cấp hay giấy chứng nhận mà là sự thán phục và chấp nhận của độc giả cho nên nhà báo luôn lúc nào cũng phải cố gắng tận lực để rèn luyện.

Để xây dựng đội ngũ nhà báo mạnh đòi hỏi phải nâng cao bản lĩnh cho người làm báo theo các định hướng sau: Thứ nhất là người làm báo phải kiên định lập trường chính trị; trung thành với lý tưởng cách mạng, không hoang mang dao động trước sự phức tạp của thời cuộc, không a dua trước cám dỗ vật chất. Thứ hai là luôn bám sát thực tiễn và đời sống xã hội, thực tiễn luôn là thông tin phong phú làm vật liệu cho bài viết năng động và trung thực nhất, người làm báo mà không đi sát cơ sở; không lắng nghe nhiều chiều thì bài viết sẽ thiếu tính thuyết phục; khuôn sáo và viết chỉ để cho mình đọc. Thứ ba là phải dũng cảm trong khen và chê, luôn tìm hiểu; phát hiện nhân tố mới điển hình trong xã hội để góp phần xây dựng tấm gương cho mọi người học tập làm theo; đấu tranh chống tiêu cực một cách quyết liệt, dùng ngòi bút; hình ảnh để phê phán, không thỏa hiệp hay đầu hàng tiêu cực. Thứ tư là nhà báo phải luôn học tập và làm theo tấm gương làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rèn luyện tính trung thực, khách quan, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân trong nghiệp báo của mình. Thứ năm là không ngừng học tập và trau dồi thêm kiến thức, nghề báo luôn cần kiến thức tổng quát để có thể hiểu được nhiều vấn đề. Bản lĩnh làm báo không tự nhiên mà có; nó phải trải qua thực tiễn làm việc; nó có trở thành hành trang của mình sớm hay muộn là do quá trình phấn đấu của bản thân mỗi nhà báo.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên