Tăng giá, cần bình ổn tâm lý

Cập nhật: 16-02-2011 | 00:00:00

Giá điện sẽ tăng từ đầu tháng 3-2011, đó là phương án mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ thông qua. Cùng với đó, giá xăng cũng nhấp nhỏm tăng. Khi các nhiên liệu cốt yếu phục vụ sản xuất tăng giá, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều mặt hàng thiết yếu khác trên thị trường như nước, sắt thép, xi măng, dệt may... đội giá lên theo. Mà như vậy thì việc tăng giá sẽ tác động rộng đến cả thị trường, đến từng người dân.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu giá điện tăng 18% thì các hộ nghèo có mức tiêu thụ điện 50kWh/tháng trở xuống phải trả thêm khoảng 5.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ điện trung bình dưới 100kWh/tháng trả thêm trên 21.000 đồng/tháng, các hộ có thu nhập trung bình hoặc khá có mức tiêu thụ đến 200kWh/tháng trả thêm trên 55.000 đồng/tháng, các hộ sử dụng lượng điện ở mức 400kWh/tháng trả

thêm từ khoảng 100.000 - 140.000 đồng/tháng... Đây là mức tăng không lớn lắm và được xem là mức tăng giá thấp nhất, ít biến động nhất trong số nhiều phương án.

Thời gian qua, ngành điện và xăng dầu - 2 loại nhiên liệu chính của nền sản xuất - đã nhiều lần đề nghị Chính phủ cho phép tăng giá nhằm theo kịp diễn biến của thị trường thế giới và bảo đảm tỷ lệ lãi cho doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, tuy nhiên Nhà nước cũng nhiều lần điều tiết thông qua các quỹ bình ổn, trợ giá cùng nhiều giải pháp vĩ mô khác. Việc điều tiết này chỉ là tạm thời, khi áp lực tăng giá, lạm phát đang ngày càng lớn thì việc phải điều chỉnh giá đối với các mặt hàng chủ lực là điều khó tránh khỏi. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 3 tháng đầu năm, do vào dịp Tết Nguyên đán và lễ hội diễn ra khắp nơi nên nhu cầu mua sắm, đi lại khiến giá cả tăng cao. Ngoài ra, giá xăng dầu và giá nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu tăng. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện, tiến tới là giá than vận hành theo cơ chế thị trường cũng sẽ tác động không nhỏ tới thị trường giá cả. Điều đáng lưu ý là mặc dù đã có nhiều giải pháp “kìm giá” nhưng trên thực tế, giá cả trên thị trường thời gian qua vẫn liên tục “nhảy múa”, trong đó có nguyên nhân không nhỏ là do yếu tố tâm lý. Nhà nước chưa điều chỉnh tăng giá (hoặc mới có dự định) thì sự lo lắng đã hiện diện, trên thị trường giá cả nhiều mặt hàng tranh thủ bị đội lên. Đây là hiện tượng thiếu lành mạnh và không tuân theo quy luật cung - cầu.

Tăng giá hay điều chỉnh giá là điều rất bình thường trong cơ chế thị trường, nhưng không thể phủ nhận, chính yếu tố tâm lý đã gây ra những hiệu ứng nhất định sớm làm đẩy giá cả hàng hóa lên cao, thậm chí tăng giá bất thường, gây khó khăn cho quá trình điều hành. Đây là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở nước ta, là một yếu tố rất quan trọng để cơ quan tham mưu xem xét. Hiện nay, giá cả nhiều mặt hàng trong nước đã có độ chênh lệch khá cao so với giá thế giới, do vậy nếu tiến hành giữ giá quá lâu sẽ không tốt và càng tạo ra khoảng cách ngày càng lớn. Tuy nhiên, khi tăng giá cũng rất cần tính toán kỹ như chọn thời điểm thích hợp, tránh điều chỉnh nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, đồng thời tránh kéo dài, chia nhỏ các đợt tăng giá để hạn chế ảnh hưởng tâm lý và khuếch đại tăng giá các mặt hàng khác. Nói cách khác, cần tính tới các giải pháp bình ổn tâm lý để tránh xáo trộn lớn song hành với việc tăng giá.

VC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên