Về việc tăng giá điện trong năm 2011, Bộ Công Thương kiến nghị chọn phương án giá điện bình quân là 1.271 đồng mỗi kWh, tỷ lệ tăng 18%. Theo một số chuyên gia kinh tế, ở mức tăng 18% vẫn là quá cao so với người tiêu dùng, sẽ gây áp lực cho nhiều hộ dân. Do điện là nguồn năng lượng quan trọng, đầu vào cho các ngành sản xuất - kinh doanh tạo nên cơ cấu giá thành của sản phẩm nên ngành điện tăng giá quá cao sẽ khiến nhiều mặt hàng khác tăng giá theo, sức ép lạm phát là rất lớn. Giá điện tăng không chỉ tác động đến các hộ dân mà còn tác động không nhỏ tới doanh nghiệp. Giá điện là đầu vào của mọi ngành kinh tế và việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Việc tăng giá điện bao nhiêu là dựa vào quan hệ mua bán của ngành điện với đối tượng sử dụng điện và ngành điện hiện nay còn đang ở vị thế độc quyền. Giá điện tăng 11% hay 18% cũng sẽ góp phần nâng giá mạnh các mặt hàng trong thời gian tới. Bởi tăng giá điện sẽ kéo theo giá nước, sắt thép, xi măng, dệt may... tăng lên bởi chi phí dùng điện của các ngành này rất lớn. Cho nên Chính phủ sẽ quyết định mức tăng sao cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước và hài hòa với lợi ích của người dân.
Một quan chức của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, mức tăng giá như trên là chấp nhận được, giúp ngành điện có thể bù được các khoản lỗ. Tuy nhiên, nếu Chính phủ quyết giá điện năm 2011 tăng 18% theo tính toán, tổng số tiền điện nền kinh tế sẽ phải trả thêm khoảng 19.000 tỷ đồng, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 0,54 - 0,72%. Trong đó, các ngành sản xuất sẽ phải chịu thêm chi phí gần 10.000 tỷ đồng, tăng giá thành từ 0,02 - 9,03%. Vì vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng giá điện 11% cũng là do lo ngại lạm phát sẽ tăng cao bởi không chỉ giá điện mà giá xăng, dầu, than cũng sẽ phải điều chỉnh tăng trong năm nay.
Lâu nay chúng ta đã thấy rõ hệ quả của việc tăng giá, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu quan trọng như xăng dầu, điện... Giá điện tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng khác. Bởi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Phần giá điện tăng sẽ được tính vào giá thành hàng hóa. Từ đó các loại hàng hóa thiết yếu khác cũng “té nước theo mưa” đổ thừa giá điện, xăng dầu... tăng để đồng loạt nâng giá. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng gánh chịu, đặc biệt người nghèo lại càng gặp khó...
Chúng ta đang thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn liền với an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống người dân, trong đó có vấn đề bình ổn giá cả. Chưa biết giá điện tăng ở mức 18% có phù hợp hay không, nhưng thiết nghĩ đề nghị tăng giá điện của Bộ Công Thương phải dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích đừng tạo nên tâm lý lo lắng trong dư luận.
NHẬT HUY