Tăng mức phạt, tăng ý thức?

Cập nhật: 17-05-2010 | 00:00:00

Bắt đầu từ ngày 20-5 tới đây, sẽ tăng mức tiền phạt, tăng thêm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng và bổ sung thêm một số hành vi bị coi là vi phạm, áp dụng thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt... là những nội dung đổi mới của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

So với Nghị định 146/2007/NĐ-CP, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tế giao thông hiện nay. Đơn cử như mức phạt đối với người điều khiển mô tô không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe sẽ từ 60.000 - 80.000 đồng, không có hoặc không mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt từ 80.000 - 120.000 đồng (mức phạt cũ từ 40.000 - 60.000 đồng). Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (mức áp dụng đối với hành vi này tại các thành phố lớn là 300.000 - 500.000 đồng). Lỗi phóng nhanh, vượt ẩu, đi lấn làn đường... sẽ tăng mạnh hơn so với trước. Hành vi người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ chẳng hạn), bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng, trong khi mức phạt trước đây chỉ từ 200.000 - 400.000 đồng. Người đi bộ vi phạm (không đi đúng phần đường quy định...) cũng bị tăng tiền xử phạt gấp 1,5 lần, từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng (mức chung là 100.000 - 200.000 đồng)...

Mức phạt theo quy định được xây dựng dựa vào mức thu nhập bình quân, khả năng nộp phạt của người vi phạm. Nhìn chung mức phạt lần này nhiều người cho rằng là phù hợp. Thực tế, mặc dù đã được tuyên truyền nhiều, nhưng vẫn còn một số bộ phận người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vì thế, mức phạt lần này tăng là nhằm “tăng ý thức” khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn có người băn khoăn rằng: Tăng mức xử phạt có làm tăng được ý thức giao thông của người dân hay không. Tuy nhiên là có, nhưng chưa đủ. Cải thiện ý thức của người tham gia giao thông, làm nền tảng để xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông phải cần một giải pháp đồng bộ.

Và, để giải bài toán “nâng cao ý thức người tham gia giao thông” thì cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, phải nâng cao hơn nữa hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trật tự ATGT. Trong đó có hàng loạt các vấn đề như từ cơ chế, chính sách, phương pháp tuyên truyền, đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường cần phải tiếp tục hoàn thiện và làm kiên quyết, triệt để hơn để trị tận gốc bệnh “lờn luật”, “lờn thuốc” trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên