Tạo đột phá từ liên kết vùng

Cập nhật: 28-11-2022 | 08:22:41

Vùng Đông Nam bộ bao gồm TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi và quan trọng. Trong suốt quá trình đổi mới của đất nước, các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ đã vươn lên khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua tính liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ

Theo góc nhìn của các chuyên gia, liên kết vùng là tạo mối quan hệ về không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng trong mối quan hệ tương hỗ để phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, dù là khu vực phát triển năng động nhất cả nước nhưng vùng Đông Nam bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Đó là KT-XH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, việc triển khai quy hoạch, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ. Đây chính là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của các tỉnh, thành trong vùng và cả vùng. Một điểm tắc nghẽn nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng. Bên cạnh đó, áp lực quá tải còn xuất hiện trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, ô nhiễm môi trường do quá trình di cư từ các vùng khác đến…

Do đó, liên kết vùng để đưa Đông Nam bộ phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo mục tiêu mà Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn. Liên kết vùng cần phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng…

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=214
Quay lên trên