Tạo dựng lòng tin tiêu dùng

Cập nhật: 05-04-2011 | 00:00:00

Sự kiện giá xăng tăng từ cuối tháng 3-2011 được xem là bình thường, vì đây là “lộ trình” đã được dự báo trước. Tuy nhiên, điều “không bình thường” là ngay sau khi quyết định tăng giá xăng, dầu còn chưa ráo mực thì trên thị trường, giá cả hàng hóa đã ào ào tăng theo. Có thể thấy, tình trạng “té nước theo mưa” như đã âm ỉ từ lâu, luôn sẵn sàng chực chờ thời cơ để bung ra bất chấp quy luật.

Tăng giá ảo và lợi dụng sự biến động của các yếu tố đầu vào như tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để đẩy giá lên theo là việc làm thường xuyên trong giới bán buôn ở nước ta từ lâu, thậm chí nó còn trở thành nếp nghĩ, sự phản xạ theo thói quen trong một bộ phận không nhỏ người dân, bất chấp điều đó có hợp lý hay không. Trong bối cảnh hội nhập, mở rộng hợp tác làm ăn như hiện nay, đây là điều bất lợi, thể hiện tư duy kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, chỉ thấy trước mắt mà bất chấp lợi ích lâu dài. Hiện tượng này xảy ra nhan nhản, từ buôn bán nhỏ như bà bán xôi, chị bán hủ tiếu ven đường cho đến các shop kinh doanh hàng thời trang, mỹ phẩm... hầu như đều mượn cớ giá xăng, điện tăng để “chạy” đà tăng giá. Chỉ tội người tiêu dùng, cứ mỗi phen nghe tin xăng dầu, điện tăng giá là mỗi lúc phải “thót tim”, phải dè sẻn, tính toán kỹ hơn từng đồng thu nhập sao cho đỡ “cháy túi”. Tình trạng này làm liên tưởng đến một câu chuyện vui: Anh nông dân trồng rau, muốn cho rau xanh tốt, bán được giá cao nên phun xịt nhiều thuốc, riêng rau của gia đình ăn thì anh trồng riêng thửa khác không hề sử dụng hóa chất. Gần đó có chị hàng xóm chuyên nuôi heo, để heo chóng lớn chị sử dụng thuốc tăng trọng và chị cũng nuôi riêng cho gia đình mình 2 - 3 con theo mô hình “sạch” để làm thực phẩm. Cả hai người đều hể hả tưởng rằng như thế là mình dùng thực phẩm an toàn, nào ngờ đến khi giáp mặt mới biết, anh nông dân thường xuyên ăn phải thịt heo tăng trọng, còn chị hàng xóm dùng rau muống xịt hóa chất suốt bao năm qua. Hóa ra, chỉ vì lòng tham và sự ích kỷ mà rốt cuộc tất cả đều là nạn nhân của nhau, cũng giống như cái vòng luẩn quẩn: Chị bán cá mượn cớ giá xăng tăng để tăng giá bán cá, đem tiền đi mua quần áo, còn chị bán quần áo lại mua phải cá “giá ảo” về dùng để rồi chép miệng thở dài sao đắt quá...

Làm sao để giá cả hàng hóa thể hiện đúng thực chất, đúng quy luật hay xa hơn là tạo dựng một thị trường lành mạnh, đó là trách nhiệm lớn của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng cũng đồng thời cần sự cộng đồng, chung tay của những người trong cuộc - không ai khác chính là người bán, người mua. Hiệu quả của chính sách trợ giá, bình ổn giá của Nhà nước trong thời gian qua đã được thừa nhận, tuy nhiên bấy nhiêu là chưa đủ, người tiêu dùng không chỉ muốn mua hàng giá rẻ mà còn cần sự hợp lý về giá cả. Muốn vậy, bên cạnh sự quyết liệt kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, cần xây dựng hình ảnh người bán hàng văn minh nhằm tạo dựng lòng tin tiêu dùng ổn định, lâu dài.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên