Tạo nhiều điểm nhấn, thu hút du khách dịp cuối năm

Thứ sáu, ngày 01/12/2023

(BDO) Với lợi thế sở hữu đa dạng tài nguyên du lịch, khí hậu bốn mùa ấm áp, nhiều địa phương ở Nam Bộ tiếp tục triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao, xúc tiến thương mại gắn phát triển du lịch, thu hút du khách dịp cuối năm và năm mới 2024, sẵn sàng cho cao điểm du lịch Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

TP Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách trong và ngoài nước

Đa dạng sản phẩm

Thành phố Hồ Chí Minh - điểm đến du lịch sôi động của cả nước có nhiều hoạt động hấp dẫn “gọi mời” du khách tới tham quan, trải nghiệm những tháng cuối năm. Trong đó, từ ngày 4 - 10/12, Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề  “Xanh trên mỗi hành trình” diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, mới lạ. Với tiêu chí sản phẩm "du lịch xanh", thân thiện môi trường, tôn vinh văn hóa bản địa, Tuần lễ du lịch được kỳ vọng nâng cao hình ảnh điểm đến Thành phố mang tên Bác, kích cầu du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch dịp cuối năm và chào đón năm mới 2024.  

Theo bà Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh), Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 3 năm 2023 gồm nhiều hoạt động thu hút người dân và du khách đến tham gia, trải nghiệm như: Giải Marathon quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank; các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc; hoạt động khám phá thành phố qua nghệ thuật Doodle - hình thức sáng tạo tự do, lấy cảm hứng từ văn hóa và du lịch, thể hiện đặc trưng địa phương và truyền thống. Du khách có thể tham gia vẽ, tô màu sách theo phong cách nghệ thuật Doodle lên một số vật dụng, đồ lưu niệm....

Trong Tuần lễ Du lịch, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các doanh nghiệp du lịch giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới như: “Sắc màu về đêm” ở Quận 1, “Sắc màu Bình Tân”, du lịch đường thủy Quận 7,  sản phẩm du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng (huyện đảo Cần Giờ) giai đoạn 2… hứa hẹn mang đến cho du khách hành trình mới mẻ trong dịp cuối năm, tạo đà cho du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm mới 2024.

Ở cực Nam đất nước, tại tỉnh Cà Mau, từ ngày 13-16/12, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 được tổ chức với chuỗi hoạt động mang đậm dấu ấn, đặc trưng về vùng đất, các đặc sản, văn hóa Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Trong khuôn khổ  Fesival, bên cạnh các hoạt động hội thảo, xúc tiến thương mại nâng cao giá trị ngành hàng tôm và các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu nhiều tuyến, sản phẩm du lịch kết nối thuận tiện, đưa du khách tới thăm các vùng sinh thái mặn - ngọt - lợ của vùng đất Cà Mau. Du khách sẽ có dịp trải nghiệm nhiều điểm đến thú vị trong các hành trình tour như tham quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, di tích Hòn Đá Bạc và Đền thờ Bác, các điểm du lịch sinh thái, tham quan mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, vùng nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, các cơ sở sản xuất tiêu biểu có sản phẩm OCOP.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc diễn ra từ ngày 30/12/2023 đến ngày 5/1/2024 là hoạt động ý nghĩa nối năm cũ với năm mới, hứa hẹn thu hút nhiều du khách. Theo đại diện UBND thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), chủ đề “Tình đất - Tình hoa” sẽ xuyên suốt Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc, góp phần tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng, phát huy giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển ngành hàng hoa, kiểng gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Với nhiều cụm tiểu cảnh, mô hình hoa, cây cảnh được giới thiệu, hội thi “Tìm hiểu lịch sử hình thành làng hoa, kiểng Sa Đéc”, show diễn nghệ thuật “Cải lương trăm năm nguồn cội bên dòng Sa Giang”, phiên chợ quê làng hoa, kiểng, hội thi ẩm thực các món ăn chế biến từ các loại hoa, bột Sa Đéc, Festival được coi là dịp quảng bá làng hoa Sa Đéc đến du khách, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong đó có thành phố bên dòng Sa Giang hiền hòa, thơ mộng.

Cũng trong dịp này, một số tour du lịch thiết kế theo hướng gia tăng trải nghiệm, khám phá văn hóa, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa sẽ  được Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp giới thiệu đến du khách như: Sa Đéc tình đất - tình hoa, Vương quốc hoa Sa Đéc - hành trình di sản xanh, Sa Đéc- không gian văn hóa Phật giáo giữa lòng đô thị cổ…, tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch của vùng đất miệt vườn. 

Tạo sức hấp dẫn mới

Bên cạnh tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện mang tính điểm nhấn, thu hút du khách trong dịp cuối năm, đón năm mới 2024 và sẵn sàng cho cao điểm du lịch Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các địa phương cũng đề ra nhiều giải pháp chiến lược, căn cơ để phát triển du lịch với phương châm sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện. Các sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác hoặc được hoàn thiện, đổi mới tập trung theo hướng đi vào chiều sâu, tăng trải nghiệm, góp phần tạo ra những phong cách du lịch mới, hấp dẫn du khách.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng: UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, thành phố Thủ Đức và các quận huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển. Thành phố phát huy hiệu quả trên 40 sản phẩm du lịch mới được hoàn thiện  khai thác từ chương trình "Mỗi quận huyện một sản phẩm đặc trưng”, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch như công nghệ 3D, 360 độ giới thiệu các điểm đến đặc trưng của thành phố. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các lễ hội, sự kiện đã tạo được sức hấp dẫn với du khách thời gian qua như Lễ hội sông nước, Lễ hội âm nhạc quốc tế, Lễ hội áo dài…, tạo nét riêng cho du lịch thành phố.

Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết: Trong năm 2023, tuy có thời điểm lượng du khách giảm cục bộ so với cùng kỳ những năm trước song nhìn chung du lịch Kiên Giang duy trì đà tăng trưởng khá. Ước tính năm 2023, Kiên Giang đón trên 8,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 573.000 lượt du khách nước ngoài, tăng hơn 2 lần so với năm 2022. Tổng thu từ du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng trên 65 % so với năm 2022. Kiên Giang đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch thực hiện các Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Tỉnh huy động có chọn lọc các nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, khác biệt, khai thác các lợi thế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các sự kiện quốc gia, quốc tế để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 

Còn theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường du khách, tăng cường hợp tác liên kết để có những tour kích cầu du lịch hấp dẫn với chất lượng, giá cả hợp lý. Cà Mau cũng tổ chức các lễ hội, sự kiện, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch mới. Các địa phương đa dạng hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững tại địa phương. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng người dân tại các khu, điểm du lịch, góp phần phát triển hiệu quả các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái- thế mạnh của du lịch Cà Mau, tạo sự phát triển bền vững.

Theo TTXVN