Tây Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Nam Bộ

Cập nhật: 20-10-2023 | 10:32:09

Du khách tham quan trên đỉnh Núi Bà Đen.

Tây Ninh, tỉnh có đường biên giới dài gần 240km, giáp Vương quốc Campuchia đã và đang nổi lên trên bản đồ du lịch của cả nước.

Đặc biệt, Núi Bà Đen đang trở thành biểu tượng và trung tâm dẫn dắt, tạo sức hút mới cho ngành Du lịch của tỉnh.

Nhờ đó, trong 9 tháng năm nay, du lịch Tây Ninh đã thu hút 4,22 triệu lượt khách tham quan, doanh thu ước đạt 1.765 tỷ đồng, gần đạt mục tiêu đề ra của ngành Du lịch tỉnh trong cả năm 2023.

Điểm đến Núi Bà Đen dẫn dắt du lịch Tây Ninh

Ngoài ra, sau sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” được Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức vào ngày 7 và 8/10 vừa qua tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, không chỉ là hơn 30 gian hàng với các sản vật trứ danh như bánh tráng, muối tôm, mãng cầu… mà còn là rất nhiều Di sản Văn hóa Phi Vật thể của vùng đất được tái hiện sống động như múa trống Chhay dăm, đờn ca tài tử Nam Bộ.

Tất cả mang đến cho người dân Thủ đô một không gian văn hóa đậm bản sắc Nam Bộ. Đó chính là cách giúp Tây Ninh tạo ra một hiệu ứng đặc biệt, tiếp tục mang thêm những làn gió mới, nhất là đón thêm lượng lớn du khách ngoại tỉnh đến tìm hiểu, tham quan.

Núi Bà Đen có độ cao 986m, nên có khí hậu mát mẻ quanh năm và được mệnh danh là “Đà Lạt” thu nhỏ của vùng Đông Nam Bộ.

Núi Bà Đen cũng còn được biết đến là ngọn núi chứa đựng nhiều huyền tích, thu hút lượng lớn du khách đến chùa bà Linh Sơn Thánh Mẫu (còn gọi là Bà Đen) cầu an, chiêm bái.

Những năm gần đây, Núi Bà Đen được đầu tư hiện đại với nhiều công trình tâm linh độc đáo, cùng với màu sắc tươi mát của cảnh quan phủ đầy hoa đã khiến nơi đây thực sự trở thành điểm dẫn dắt cho du lịch Tây Ninh cất cánh.

Đến Núi Bà Đen lần thứ 2 cùng gia đình, chị Lê Thị Cẩm Tiên (ngụ tỉnh Tiền Giang) ngỡ ngàng trước sự thay đổi ngoạn mục của ngọn núi sau hơn 5 năm trở lại.

Chị Tiên cho biết trước đây, chị không dám nghĩ có thể đưa ba mẹ đã lớn tuổi đến được đỉnh núi. Hiện tại cả gia đình cùng đứng ở độ cao 986m, được ngắm nhìn toàn cảnh Tây Ninh từ trên cao. Đặc biệt, cảm giác đứng trong mây, mây bao phủ cả người, mang theo cái lành lạnh dễ chịu, xua tan cái suy nghĩ vùng đất “Tây Ninh nắng cháy da người” như người ta vẫn nói.

Còn anh Nguyễn Hoàng Linh (ngụ tỉnh Bến Tre) tỏ ra bất ngờ khi lần đầu tiên khám phá nhiều điều kỳ thú trên đỉnh núi. Anh Hoàng Linh chia sẻ trước đó anh không nghĩ Tây Ninh có một nơi du lịch hiện đại, độc đáo như vậy, có cả trình chiếu phim 3D-mapping về Phật giáo ngay trên đỉnh núi; cáp treo được đầu tư hiện đại, thuận tiện cho du khách; công trình kiến trúc rất đồ sộ, độc đáo bậc nhất ở miền Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tây Ninh có 4 địa danh nổi tiếng tạo sự khác biệt so với cả nước đó là Núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Căn cứ Trung ương cục Miền Nam và Hồ Dầu Tiếng.

Nếu như Núi Bà Đen là một trong ba ngọn núi thiêng của cả nước (cùng với núi Chông-Ba Vì, Núi Nưa-Thanh Hóa), gắn liền với huyền thoại về Linh Sơn Thánh Mẫu, là biểu tượng của đời sống tâm linh của người Nam bộ, thì Tòa Thánh Cao Đài lại là thánh địa của một tôn giáo nội sinh duy nhất tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Chỉ riêng hai điểm đến này đã thu hút hàng trăm vạn người theo đạo và các du khách thập phương đến hành hương, chiêm bái mỗi năm.

Bà Trần Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, nhận định các tiềm năng, lợi thế của du lịch tỉnh dần được “đánh thức,” ngành Du lịch hiện đã khai thác, phát triển tốt các lợi thế, tài nguyên hiện có. Một số khu, điểm du lịch đã được đầu tư nâng cấp, các sản phẩm, dịch vụ được cải thiện về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lượng du khách đến tham quan các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hóa, thực phẩm, đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ.

Liên kết vùng, tạo “bàn đạp” nâng tầm du lịch Đông Nam Bộ

Tây Ninh vốn nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp của vùng đồng bằng, nơi có ngọn Núi Bà Đen cao nhất Nam Bộ sừng sững giữa cả một vùng đồng bằng phì nhiêu.

Với 95 di tích được xếp hạng, 8 Di sản Văn hóa Phi Vật thể, đặc biệt có rất nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng và có nét văn hóa đặc sắc giao thoa giữa nhiều dân tộc... Tây Ninh từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Nam Bộ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Thị Huy Hoàng cho biết thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu của du lịch Tây Ninh với trọng tâm là Khu Du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận.

Bà Trần Thị Huy Hoàng nhấn mạnh một trong số đó chính là việc ký kết và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Trong số đó, bao gồm các công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển và liên kết sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông đang được đầu tư với các dự án trọng điểm để kết nối Tây Ninh với các tỉnh thành lớn như: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh; đường kết nối ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương); đường ĐT.782 và ĐT.784; đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789, cầu An Hòa; phối hợp tổ chức, các công ty lữ hành, đoàn làm phim đến Tây Ninh khảo sát điểm đến, thực hiện phóng sự, làm phim về du lịch Tây Ninh. Đặc biệt, xây dựng chương trình du lịch theo mô hình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cũng lý giải mỗi địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ đều có thế mạnh, tiềm năng về sản phẩm du lịch khác nhau. Vì vậy việc liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ là một bước đi cần thiết để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương.

Từ đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xóa bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao, xứng tầm quốc gia và hướng tới nâng tầm quốc tế để làm nên “bàn đạp” cho du lịch từng địa phương phát triển, cũng chính là tạo nên các mắt xích bền vững, chất lượng cho sự liên kết phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ đạt hiệu quả cao hơn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên