Thăm chợ Hàng
Khá lâu rồi tôi mới có dịp về thăm lại Hải Phòng và nôn nao hòa mình cùng dòng người tấp nập tham dự phiên chợ cổ truyền gắn bó một thời tuổi thơ.
Tồn tại từ những năm Pháp thuộc, trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố lịch sử, tới nay chợ Hàng (phường Dư Hàng, quận Lê Chân, Hải Phòng) vẫn giữ nguyên các hoạt động của một chợ phiên cổ hiếm hoi trong lòng thành phố hiện đại.
Dãy hàng cá cảnh, thủy sinh… trải dài với đủ chủng loại, giá tiền…
Thời ấy, chợ Hàng được họp cố định vào các ngày 5, 15 và 25 âm lịch để những người có nhu cầu mua bán, trao đổi vật dụng sản xuất nông nghiệp, thú nuôi hay giống cây trồng. Sau này để tiện hơn, đều đặn mỗi sáng chủ nhật hằng tuần chợ Hàng lại họp từ sáng tới trưa trên một bãi đất trống rất rộng ở phường Dư Hàng.
Dù thời gian dịch chuyển mọi thứ, nhưng dường như mọi hoạt động của chợ không có gì thay đổi theo ký ức, có chăng chợ giờ nhộn nhịp hơn do nhu cầu của người dân ngày càng cao hơn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều du khách tìm tới chợ Hàng vừa tham quan, vừa tìm hiểu một phiên chợ "hàng" đặc thù.
Vẫn những dãy cá kiểng, chim kiểng… đủ chủng loại và đủ giá thành trải dài suốt con đường nhỏ dẫn vào chợ. Những dãy hàng hoa có những cây hoa rẻ tiền như hồng, cúc… hay nhiều loại hoa nhập ngoại đắt tiền, xen kẽ là những cây rau húng, rau thơm giống... Để đáp ứng cung cầu, hiện chợ còn có thêm những dãy đồ điện tử cũ để những người có nhu cầu đều mua được những thiết bị điện tử gia dụng đã qua sử dụng với giá rất rẻ.
Nhưng điểm thu hút sự chú ý của người đi chợ nhiều nhất vẫn nằm ở phía trong chợ, nơi có mặt hầu như các giống gia súc, gia cầm.
Ngoài các loại gà, vịt, thỏ, mèo… được bán làm thịt với giá vài chục ngàn đồng/kg, còn có những giống mèo rừng, chó ngoại được rao bán với giá tiền triệu.
Những chú vịt mới nở giá chỉ 4.000 đồng/con được những khách hàng nhỏ tuổi tìm mua nhiều nhất vì vừa dễ nuôi lại rẻ tiền, vừa có thể làm “thú cưng”.
Điều rất độc đáo của chợ Hàng so với những chợ phiên ở vùng miền khác là những người bán hàng tại đây hầu hết không phải dân buôn chuyên nghiệp. Nhà có chó mèo đẻ nuôi không hết hay có những vật nuôi không vừa ý chủ thì cứ sáng chủ nhật đem lên chợ Hàng.
Khách đi chợ để tham quan là chính, mua bán chỉ là chuyện phụ. Sau khi một vòng thăm chợ, khách có thể ghé khu đất trống cuối chợ, nơi có những hội chọi gà đang tưng bừng diễn ra giữa sự cổ vũ của những cổ động viên nhiệt tình vốn là khách ghé chợ.
Một vòng dạo quanh chợ, sau khi đã thích thú ngắm cảnh mua bán tấp nập đến mệt nhoài, tôi ghé hàng nước giữa chợ nghỉ chân. Vị khách trung niên cũng ngồi uống nước nghỉ chân kế bên khoe hai lồng chim bồ câu ông mới mua được.
Ông cho biết mình đi chợ Hàng từ ngày còn là cậu bé nhỏ xíu, tới nay đã hơn 40 năm vẫn giữ thói quen hằng tuần phải ghé chợ để ngắm chơi hoặc mua bán nếu gặp món hàng ưng ý.
Giữa cuộc sống hiện đại ồn ào, thật quý lắm những phiên chợ truyền thống như chợ Hàng, khi nó không hẳn chỉ là nơi để mua bán, trao đổi, mà còn là sợi dây hiện hữu liên kết hiện tại với quá khứ. Thật không khó hiểu khi chợ Hàng ngày càng có nhiều người tìm tới như tìm đến một địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Theo Tuổi Trẻ