Về Dầu Tiếng, chúng tôi được cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện dẫn đi tham quan một số di tích lịch sử - văn hóa, địa điểm du lịch trên địa bàn. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi đến thăm Khu di tích cách mạng Vườn Trầu. Đây là nơi thành lập tiểu đoàn vũ trang chủ lực đầu tiên của tỉnh ThủDầu Một - Bình Dương với tên gọi “Tiểu đoàn Phú Lợi”...
Toàn cảnh Khu di tích cách mạng Vườn Trầu
Nơi ghi dấu lịch sử
Khi đến thăm di tích lịch sử cách mạng Vườn Trầu, được giới thiệu về lịch sử, quá trình hình thành Tiểu đoàn Phú Lợi, chúng tôi càng hiểu thêm về lịch sử của vùng đất anh hùng này. Ông Đặng Minh Phước, Trưởng Phòng VH-TT huyện Dầu Tiếng cho biết, Tiểu đoàn Phú Lợi ra đời trong bối cảnh “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy bước vào giai đoạn thất bại và Mỹ đang chuẩn bị để tiến hành một kiểu chiến tranh mới: “Chiến tranh cục bộ”. Trước những yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, đòi hỏi gấp rút phải có đơn vị chủ lực tập trung cơ động, thực hành tác chiến tiêu diệt địch, gây tác động mạnh đối với địch và hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, tháng 11-1964, Tỉnh ủy quyết định tập trung các Đại đội 304, 306, 308 và đại đội 4 trợ chiến để hình thành lâm thời tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh.
Trên cơ sở ấy, vào ngày 5-6- 1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay thuộc ấp Đồng Bà Ba, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng) đã chính thức ra mắt “Tiểu đoàn Phú Lợi”. Đây cũng chính là tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ. Tại lễ ra mắt, đồng chí Trần Quốc Ân, Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đã long trọng đọc quyết định thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi thuộc Ban Chỉ huy Quân sự Miền gồm 500 cán bộ, chiến sĩ, 5 chi bộ với 150 đảng viên. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm 5 đồng chí: Đồng chí Phạm Văn Thuấn, Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Trần Văn Châu, Chính trị viên; đồng chí Trương Văn Quăn, Tiểu đoàn phó, đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Tiểu đoàn phó và đồng chí Phạm Văn Dấu, Tiểu đoàn phó.
Theo lời giới thiệu của ông Đặng Minh Phước, tiểu đoàn chủ lực cơ động của tỉnh được hình thành là niềm tự hào chung của quân và dân trong tỉnh, là cánh chim đầu đàn của lực lượng vũ trang địa phương nên từ cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đều góp sức cho tiểu đoàn nhanh lớn mạnh, trưởng thành. Từ sự ủng hộ, tin tưởng đó, Tiểu đoàn Phú Lợi đã không ngừng được củng cố và chuẩn bị mọi mặt để thực hiện bằng được mục tiêu ra quân đánh thắng trận đầu, xây dựng truyền thống: “Đã đánh là tiêu diệt, ra quân là chiến thắng”. Sau khi thành lập đi vào hoạt động, Tiểu đoàn Phú Lợi đã lập nên nhiều chiến công, xóa phiên hiệu nhiều tiểu đoàn, đại đội địch. Tiểu đoàn đã thực hiện được chủ trương “Tiểu đoàn diệt tiểu đoàn”, “Trung đội diệt trung đội”, “Đại đội diệt đại đội” và xây dựng nên truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu, đã đánh là tiêu diệt. Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và chiến đấu, Tiểu đoàn Phú Lợi đã bắn cháy hàng trăm xe tăng và cả máy bay, bắt sống hàng ngàn tù binh và thu hàng chục ngàn vũ khí các loại.
Tên tuổi của Tiểu đoàn Phú Lợi gắn liền với những trận đánh Mỹ, diệt Ngụy với những địa danh đã đi vào lịch sử. Trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn Phú Lợi là phối hợp cùng Đại đội 64 Dầu Tiếng và Đội dân quân du kích xã Thanh An đã đánh tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 bộ binh của địch. Một số trận đánh tiêu biểu của Tiểu đoàn Phú Lợi có thể kể đến là trận ấp Đồng Sổ (huyện Bàu Bàng hiện nay) vào ngày 28-12-1964; chiến thắng trận càn của tiểu đoàn địch tại căn cứ Đồng Chèo; trận đánh tại Quý Hiệp vào ngày 21-2-1965; diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy ở Suối Dứa, Gò Mối vang dậy chiến công; trận phục kích tiêu diệt Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 8, Sư 5 của ngụy ngày 8-7-1965 tại Suối Dứa, diệt hết Ban chỉ huy địch (có cả 4 cố vấn Mỹ), bắt sống 49 tù binh, thu 270 súng các loại…
Mãi là niềm tự hào
Trong lịch sử chiến đấu của Tiểu đoàn Phú Lợi, trận đánh ngày 25-8-1966 tại Bông Trang - Lò Gạch là trận phản đột kích oanh liệt nhất. Trong trận này, Tiểu đoàn đã tiêu diệt và tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn Mỹ với khoảng 700 tên, bắn cháy, bắn hỏng 16 xe tăng, xe bọc thép, 1 máy bay, thu 20 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự khác. Từ những thắng lợi mà quân ta thu được, trận thắng này mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi và nhân dân trong tỉnh. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Tiểu đoàn Phú Lợi tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng lịch sửmùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ nhiều năm qua, nơi đây trở thành nơi sinh hoạt về nguồn ýnghĩa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thếhệmai sau. Hàng năm, ngoài là nơi sinh hoạt về nguồn ý nghĩa của học sinh các trường trên địa bàn huyện, di tích còn đón nhiều đoàn khách tham quan, tìm hiểu lịch sử đến từ các ban ngành, đoàn thể địa phương trong và ngoài huyện.
CẨM LÝ