Lý Sơn - một huyện đảo như muôn ngàn hòn đảo dọc dài thềm biển Việt Nam. Để biết Lý Sơn ở đâu, như thế nào, xa - gần - rộng - hẹp ra sao chỉ cần gõ Google sẽ tìm thấy 7,8 triệu đơn vị dữ liệu liên quan. Nhưng đến Lý Sơn, bạn sẽ thấy có nhiều điều Google không thể nào biết được...
Rời tàu, bước chân lên cầu cảng, đi qua cổng chào bêtông có dòng chữ “Huyện đảo Lý Sơn” sẽ có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, chùa chiền, những di tích được xếp hạng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia... chào đón.
Vừa rất quen vừa rất riêng
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được tổ chức ngày 28, 29-4 (15, 16-3 âm lịch) để tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa thuở trước.
Những ngọn núi lửa đã ngủ yên từ triệu năm qua vẫn để lại màu son tươi gợi nhớ một Tây nguyên xa xôi. Dư vang của ngọn núi lửa triệu năm đã nguội ấy cho người Lý Sơn một thứ đất đỏ đặc biệt hòa trộn cát biển lẫn vỏ sò để trồng nên một thứ gia vị lừng danh: tỏi Lý Sơn.
Rặng dừa xanh rủ bóng bình yên khắp đảo vừa phảng phất chút miền Tây Nam bộ, vừa mang hình ảnh gần gũi của đất dừa Tam Quan. Nhưng dưới những rặng dừa ấy lại là những cánh đồng tỏi mênh mông - một hình ảnh mang “ấn chỉ” riêng có của hòn đảo giữa trùng khơi này.
Từ khu nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và tượng đài, một công trình sâu nặng lòng tri ân tiền nhân vừa được hoàn thành - nhìn về phía cảng, chập chùng một biền ngô đang mùa trổ cờ ngút ngát tầm mắt.
Một góc đảo Lý Sơn và ngọn hải đăng nhìn từ trên cao
Nếu không có tiếng sóng biển rì rầm vỗ vào thềm đảo, hình ảnh bãi ngô kia đâu khác gì hình ảnh biền bắp Vĩ Dạ xứ Huế trong thơ Hàn Mặc Tử, cũng như những bãi ngô bát ngát trên dọc dài châu thổ sông Hồng, sông Lô...
Lý Sơn có một ngôi chùa độc đáo ẩn sâu trong lòng núi - chùa Hang - tên chữ là Thiên Khổng Thạch tự - “hang đá trời xây”. Khẽ bước chân vào ngôi chùa kỳ lạ ấy, cảm giác như đang gánh cả khối núi triệu triệu tấn trên đầu. Những lớp sa thạch bị bào mòn quanh vách núi dọc đường lên chùa, những khuôn ngực của rặng Thới Lới can trường trước sóng gió trùng khơi và con đường nhựa chênh vênh quanh co lên đỉnh gợi nhớ con đèo Hải Vân đệ nhất hùng quan.
Chưa hết, Lý Sơn còn cất giữ những kho tàng văn hóa quý giá trong lòng đất, chỉ mới phát lộ qua vài lần khai quật khảo cổ học với những di chỉ mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa mới được khai quật ở suối Chình, xóm Ốc.
Nhưng điều khiến nhiều người khao khát đến với Lý Sơn nhất có lẽ chỉ có trên hòn đảo nhỏ này, sau hàng thế kỷ là dấu những huyền tích oai hùng về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa).
Vọng tiền nhân phía Hoàng Sa...
Ngay từ cổng chào huyện đảo, rẽ trái vài chục mét là bạn đã đến Âm Linh tự - miếu thờ hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.
Dọc đường quanh phía tây đảo là những đình làng, nhà thờ các tộc họ Phạm, Võ, Nguyễn, Đặng, Lê, Dương, Trần, Trương... đã có công khai mở Lý Sơn. Rồi đình An Vĩnh, nơi tế lễ trước khi đội Hoàng Sa lên đường nhận nhiệm vụ; những ngôi mộ gió của các cai đội Hoàng Sa như Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết... và muôn số hùng binh Hoàng Sa.
Lang thang ở Lý Sơn, chớm hoàng hôn chúng tôi về phía cực đông của đảo. Gần dưới chân ngọn hải đăng Lý Sơn, nhìn ra hòn Mù Cu, một tấm biển khắc chữ đơn sơ nhưng khiến lòng người xao động: “Khu nghỉ mát Hoàng Sa”. Vài ngôi nhà nghỉ dã chiến, vài chiếc dù che lấy mấy bộ bàn ghế gỗ...
Chỉ ngần ấy thôi nhưng khi ngồi ở đấy, nơi cực đông của Lý Sơn, luôn cho ta cảm giác đang ở rất gần Hoàng Sa. Chúng tôi ngồi đó, dường như trong rì rầm phía trùng khơi đang sẫm tối có tiếng vọng mái chèo của cha ông trong đội hùng binh ngày nào ra “bãi cát vàng”...
Buổi sáng trước khi rời Lý Sơn, chúng tôi thắp hương trong ngôi nhà thờ suất đội Phạm Quang Ảnh. Có hàng ngàn ngôi mộ gió trên hòn đảo này. Những ngôi mộ mang những huyền thoại bi tráng: Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây... Nhưng nào đã mấy ai ra đi ngày ấy có may mắn được chiếc chiếu bó mấy sợi mây ấy ôm ấp che chở thân xác vượt ngàn khơi trôi về thềm đảo quê nhà?
Những ngôi mộ gió mọc lên trên đảo chỉ là những hình nhân đất sét với xương cốt làm bằng cây dâu vừa là niềm an ủi cho gia đình họ tộc, vừa là lời nhắc nhở với lớp lớp con dân Lý Sơn rằng mấy trăm năm qua cha ông đã bỏ mình giữa đại dương để gìn giữ chủ quyền bờ cõi.
Chủ quyền ấy thiêng liêng, giản dị mà cũng can trường như lá cờ đỏ sao vàng bạc màu nắng gió được treo ngay trước căn nhà thờ suất đội Phạm Quang Ảnh. Để bước vào sẽ phải cúi ngang qua lá cờ treo chính giữa hiên nhà kia...
Trước hôm chúng tôi đến Lý Sơn, ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã vượt biển mang lư hương bằng đá Non Nước nặng gần 1 tấn về Lý Sơn dâng cho ngày lễ trọng - lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - sắp diễn ra vào dịp rằm tháng 3 âm lịch tới đây. Âu cũng là ân tình của hôm nay nối với xa xưa...
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Lý Sơn
Du khách có thể đi bằng tàu lửa, ôtô hay máy bay đến các sân bay Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, sau đó đến Quảng Ngãi với đoạn đường trong vòng 200km.
Từ TP Quảng Ngãi có thể theo những chuyến xe khách, taxi hoặc xe ôm khoảng 20km đến cảng Sa Kỳ, nơi xuất phát các chuyến tàu đưa khách ra đảo. Tàu cao tốc 120-130 ghế ngồi nệm, giá vé 70.000 đồng đi trong vòng một giờ hoặc đi theo đoàn với tàu của ngư dân từ 2-2,5 giờ/chuyến với giá khoảng 40.000 đồng/người. Mỗi ngày, từ 8g có một chuyến tàu cao tốc xuất phát từ Sa Kỳ đi Lý Sơn và ngược lại.
Có thể tham quan đảo lớn bằng xe máy. Giá thuê xe máy 30.000-50.000 đồng/xe/ngày tùy thời gian và cự ly di chuyển. Ở Lý Sơn chỉ có một số phòng nghỉ, phòng trọ đơn giản như Bình Yên, Mỹ Linh, Hoa Biển với khoảng 20 phòng, giá 50.000-70.000 đồng/phòng/ngày đêm. Ngoài ra nhà công vụ của huyện đáp ứng được khoảng 30 khách. Trong các dịp lễ, lượng du khách đến Lý Sơn đông có thể liên hệ ở tại nhà dân.
Do chạy máy phát điện, ban ngày ở Lý Sơn không có điện, ban đêm chỉ phát điện từ 17g-23g nhưng đêm có đêm không. Nước sinh hoạt cũng hạn chế.
Ở đảo nên bạn sẽ tha hồ thưởng thức hải sản tươi sống như các loại cá, mực, ghẹ, ốc. Thú vị nhất, nếu đúng mùa thu hoạch tỏi, bạn còn có dịp thưởng thức món ngó tỏi làm bằng thân lá tỏi trộn đậu phộng. Và khi về không thể không mua tỏi ở “vương quốc tỏi” về làm quà.
Có thể du ngoạn quanh đảo hoặc từ đảo này sang đảo khác bằng thuyền hoặc thúng chai; theo ngư dân đánh bắt, khai thác cá mực. Giá cả từng chuyến - cá nhân hay theo đoàn - có thể thỏa thuận với chủ tàu, đi từng giờ, từng buổi hay cả ngày, ban đêm.
Hạn chế rác du lịch ra đảo
Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, trong năm 2009 có hơn 55.000 lượt khách ra vào thăm đảo, trong đó có 3.000 du khách tham quan, du lịch (tăng 700 người so với năm trước). Sức ép về môi trường đảo Lý Sơn rất lớn bởi hiện chỉ có một đội vệ sinh môi trường của huyện thu gom rác sinh hoạt của dân hằng ngày.
Theo ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, huyện đang tăng cường công tác tuyên truyền vận động du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không mang nhiều vật dụng khó tiêu hủy ra đảo. Đồng thời về lâu dài cần có chiến lược bảo vệ môi trường biển, đảo, ví dụ không sử dụng bao nilông như ở Cù Lao Chàm để bảo vệ môi trường.
(THEO TUỔI TRẺ)