Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật

Cập nhật: 12-09-2020 | 04:01:51

Quyền xác định quan hệ cha, mẹ, con là một trong những quyền nhân thân trong quan hệ về hôn nhân, gia đình gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Việc xác định cha, mẹ, con rất quan trọng bởi nó sẽ làm phát sinh thêm nhiều mối quan hệ khác như nuôi dưỡng, cấp dưỡng, thừa kế. Việc xác định cha, mẹ, con trên thực tế không chỉ là con chung trong thời kỳ hôn nhân mà còn có trường hợp con chung giữa những người không có quan hệ hôn nhân.

 Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con thuộc về những cơ quan sau:

Một là, Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

Theo khoản 1 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

Luật Hộ tịch 2014 quy định Cơ quan đăng ký hộ tịch, bao gồm: UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã), UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi là UBND cấp huyện), Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).

Như vậy, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con trong trường hợp không có tranh chấp thuộc về:

- UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

- UBND cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

Hai là, tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp:

- Có tranh chấp;

- Người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết;

- Có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết;

- Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình;

- Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Mặt khác, Điều 28 và Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về thẩm quyền theo vụ việc của tòa án, trong đó:

- Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ là một trong những tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án;

- Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình là một trong những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Mới đây nhất, khi Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11- 2015, có hiệu lực từ ngày 16-7- 2020 thì có quy định tại Điều 16 về việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt, trong đó có nội dung như sau:

- Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án Nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

- Trường hợp Tòa án Nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của thông tư này.”

Như vậy, thông tư này đã quy định rõ thêm về một trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là “trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con” nhưng thẩm quyền lại có thể chuyển qua cơ quan đăng ký hộ tịch nếu như tòa án từ chối giải quyết.

 Chương trình này đưc Hi Lut gia tnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phi hp thc hin theo Công văn s 6834/UBND-NC ngày 31-12-2019 ca UBND tnh Bình Dương. Chúng tôi rt mong nhn đưc thư, bài góp ý hoc yêu cu tư vn xin gi v đa ch: S 26 đưng Đoàn Th Liên, phưng Phú Li, TP.Th Du Mt, tnh Bình Dương.
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1303
Quay lên trên