Tháng 7 này, mời bạn cùng với chúng tôi về thăm Khu di tích Nhà tù Phú Lợi, để cùng nhau lật lại những trang sử cũ, ôn lại những kỷ niệm về một thời oanh liệt, sự đấu tranh kiên cường của những tù nhân chính trị tại nơi được mệnh danh “địa ngục trần gian”. Đến đây để chúng ta thêm hiểu và yêu quý giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay.
Di tích lịch sử cách mạng Nhà tù Phú Lợi được xem là một bằng chứng thép, tố cáo sự độc ác kinh hoàng của chế độ Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam ở miền Nam. Đây là một trong những nhà tù lớn của Mỹ - Diệm lúc bấy giờ, dựng lên năm 1957, nơi đã từng giam cầm và hành hạ hàng ngàn người Việt Nam yêu nước.
Mọi thứ đều rất thật, từ các mô hình cho đến các di vật của các chiến sĩ để lại. Toàn bộ bức tranh lịch sử như được tái hiện một cách chân thực mặc dù chúng ta không được tận mắt chứng kiến. Nhà tù với những bức tường cao, xung quanh rào kẽm gai dày đặc hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Ở giữa trại giam có nhà vòm cao để quan sát toàn khu trại. Xung quanh có 4 cổng ra vào và 4 lô cốt canh phòng nghiêm ngặt.
Các phòng giam giữ từ 300 - 500 có khi lên tới 700 người, mỗi người chỉ có được một khoảng nhỏ để đặt lưng. Chế độ thì vô cùng khắc nghiệt, ăn gạo mục, cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi... Sống thiếu nước, nằm xà lim, lao động khổ sai, bệnh tật thì không có thuốc chữa trị... và những đòn tra tấn dã man. Và một tội ác vô nhân đạo, thể hiện sự hèn hạ của giặc đó là vụ đầu độc, thảm sát diễn ra vào ngày 1-12-1958. Chúng bỏ độc tố vào thức ăn nhằm tiêu diệt những chiến sĩ mà chúng cho là tù nhân chống đối quyết liệt nhất. Sự tàn ác và nhẫn tâm được thể hiện sống động qua những bức tranh trong phòng trưng bày. Hình ảnh hàng trăm người bị ngộ độc, hôn mê, nôn mửa và số bệnh nhân nặng chết một lúc một đông mà bọn chúng như vui mừng trước cái chết của đồng loại. Phía ngoài phòng giam, chúng ta sẽ không khỏi bị gây chú ý bởi một ngôi nhà nhỏ nằm tách biệt. Hỏi ra mới biết đó là nhà biệt lập, dùng để giam giữ, tra khảo tù nhân nào bị kỷ luật. Phòng giam chỉ rộng khoảng 2m2 mà các chiến sĩ của chúng ta phải ăn, ở và sinh hoạt tại đó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh cho biết thêm: “Thường niên, Khu di tích Nhà tù Phú Lợi thu hút rất nhiều lượt khách du lịch, trong 6 tháng đầu năm nay nhà tù đã tiếp 31.400 lượt khách tham quan, cắm trại. Nơi đây thường là điểm đến đầu tiên trong tour của khách du lịch khi đến với Bình Dương. Đối tượng đến với khu di tích số đông là học sinh, sinh viên và các đoàn thể. Họ đến để tham quan, tìm hiểu về sự tàn bạo của giặc ngoại xâm và đồng thời cũng để ôn lại lịch sử đấu tranh oai hùng của cha ông”.
Lịch sử đã sang trang mới và đất nước đang không ngừng phát triển và hội nhập với thế giới. Song những dấu tích đau thương vẫn còn ở nơi này, sẽ mãi là bài học quý giá giúp cho muôn đời sau học tập và trân trọng cuộc sống yên bình mà cha ông ta đã hy sinh bao xương máu mới có được.
TUYẾT ANH