Tháo gỡ khó khăn nội tại để phát triển

Cập nhật: 22-01-2022 | 05:27:17

Trong thực tế, bức tranh toàn cảnh về triển vọng sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên với nhiều điểm sáng tích cực, song các doanh nghiệp cũng đang đối diện với những khó khăn nội tại từ trước đó chưa giải quyết hết do tác động của đại dịch gây ra. Ngoài doanh thu, nguồn lực đã giảm sút thì vấn đề lao động đang gây quan ngại cho nhiều doanh nghiệp.

Theo đó, khi phục hồi, một số doanh nghiệp vốn đã thiếu lao động từ trước, nay gia tăng sản xuất sẽ càng khó khăn hơn. Ngoài ra, với những doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù tăng trưởng khá nhưng phần doanh nghiệp thu lại không nhiều. Nguyên nhân là do cước vận chuyển tăng “phi mã” trong suốt 2 năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Có những đơn hàng của doanh nghiệp, giá cước vận tải tăng từ 4 - 6 lần so với trước thời gian dịch bệnh. Với chi phí lớn như vậy, dù giá thành xuất khẩu cao nhưng giá trị lợi nhuận đưa về cho doanh nghiệp bị hao hụt rất nhiều.

Bên cạnh đó, vấn đề nan giải không kém hiện nay của doanh nghiệp là giá vật tư, nguyên liệu tăng cao, trong khi nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất không bảo đảm, thị trường, khách hàng cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp đang cân đối để đối mặt với tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao và đứt gãy trong cung cầu, ảnh hưởng tới sản xuất nói chung. Tất cả nỗ lực ấy nhằm mong muốn nối lại chuỗi cung ứng một cách thông suốt.

Trước những khó khăn đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng việc thực hiện Nghị quyết 02 ngày 1-1-2022 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, doanh nghiệp cần cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ngành quản lý cần loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tập trung phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh để tiếp tục phát triển, đóng góp tốt hơn vào nền kinh tế nói chung.

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên