Tháp Chăm giữa rừng xanh

Cập nhật: 08-05-2010 | 00:00:00

Nói đến tháp Chăm (tháp Chàm), người ta thường mường tượng tới những ngọn tháp dựng trên những quả đồi cao in bóng giữa trời xanh của vùng duyên hải miền Trung quanh năm dạt dào sóng biển và lồng lộng nắng gió.

  

Du khách tham quan tháp

Nhưng ở Tây nguyên cũng lại có tháp Chăm, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người làm công tác nghiên cứu văn hóa, khảo cổ. Đó là tháp Yang Prông nằm tại một khu rừng thuộc xã Ea Rôk, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk.

 

Từ thành phố Buôn Ma Thuột, theo tỉnh lộ 1, vượt qua chặng đường khoảng 100 km là tới trung tâm huyện Ea Súp. Lại đi tiếp ngót 20 km nữa. Gần đến cầu Ea Rôk, rẽ phải, qua vài xóm nhỏ nhà cửa thưa thớt, chúng tôi tới cánh rừng nơi có ngọn tháp Yang Prông huyền bí.

 

Quả là kỳ lạ, giữa khu rừng hoang sơ lại có một ngôi tháp cổ kính. Tháp nằm khuất dưới tán lá rừng lặng lẽ, trên một khoảnh đất bằng phẳng. Tháp có một cửa chính nhìn về phía đông. Ba mặt tháp còn lại đều là cửa giả, chắc là để trang trí (?). Tháp cao khoảng 9m. Phần đế cao 1m, mỗi cạnh dài khoảng 5m. Phần thân tháp là một khối trụ vuông cao chừng 4m. Phần đầu của tháp hơi phình ra rồi thu nhỏ, thon dần lại như củ hành.

 

Giống như những ngôi tháp Chăm khác, tháp Yang Prông được xây bằng vật liệu truyền thống là gạch nung và dùng chất kết dính đặc biệt mà người Chăm cổ vẫn dùng. Vì thế cũng không hề có dấu vết của những mạch vữa.

 

Một số tài liệu cho biết tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 để thờ thần Yang Prông. Yang Prông tiếng dân tộc có nghĩa là Thần Lớn (Yang: thần, Prông: Lớn). Cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là Vị thần vĩ đại. Theo người Chăm, Yang Prông là vị thần cai quản mùa màng (như Thần Nông của người Kinh vậy).

 

Trước kia, trong tháp có thờ một bộ linga - yoni bằng đá để cầu mong thần phù trợ cho hằng năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn loài sinh sôi nảy nở (linga và yoni là tượng vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Chăm). Trải bao thăng trầm của lịch sử, bộ linga đó đã bị mất. Trong tháp giờ có một ban thờ chính và ba ban thờ nhỏ. Đây là những ban thờ do người đời sau lập nên.

 

Sau tháp, cách không đầy 50m là dòng suối Ea H’Leo (suối này từ Ea H’Leo chảy về nên có tên như thế.) Nằm giữa rừng xanh, sau lưng là suối, đây quả là điểm khác thường trong việc chọn vị trí xây tháp của người Chăm bởi thường các tháp Chăm đều được xây dựng trên đồi cao, thoáng đãng, không bị che khuất tầm nhìn.

 

Hằng năm, vào những dịp lễ tết, bà con các dân tộc trong vùng vẫn đến đây hương khói, cúng tiến... cầu mong mọi sự an lành. Ngày 3-8-1991, tháp Chăm Yang Prông đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Tháp còn là điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước thường xuyên thăm viếng.

(THEO TUỔI TRẺ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên