Thời gian gần đây, báo chí đã đưa một số thông tin về việc bác sĩ (BS) kê toa thuốc để nhận tiền hoa hồng ở TP. HCM. Và chỉ tính riêng phần trăm của BS kê toa cho nhà thuốc phân phối chính thì giá thuốc đã đội lên khoảng 50%. Báo chí đã nêu đích danh hai BS của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (trong đó có 1 tiến sĩ) hưởng chiết khấu đến 30% giá trị mỗi đơn thuốc mà họ đã kê cho bệnh nhân. Từ đó dư luận đã đặt lại vấn đề với ngành y tế trong việc quản lý thuốc chữa bệnh và y đức của người thầy thuốc. Một luồng dư luận phẫn nộ, lên án hành động của một số con sâu đã làm rầu nồi canh, đã bôi nhọ hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc, làm lấm lem chiếc áo blouse trắng thanh cao của những người làm nghề mà mọi người tôn trọng gọi đó là thầy.
Cũng theo thông tin báo chí, Tiến sĩ Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, sẽ xử phạt 13 doanh nghiệp tự ý tăng giá thuốc thời gian qua. Song điều này không quan trọng, ông cho rằng nguyên nhân chính khiến giá thuốc tăng cao là do các DN kinh doanh dược phẩm đã chi hoa hồng cho giám đốc bệnh viện, hội đồng thuốc, BS quá cao, chi phí cho tiếp thị, quảng cáo, tổ chức hội thảo, đi nước ngoài chiết khấu lớn rồi tính vào giá thành sản phẩm khiến người dân phải gánh chịu.
Đó là ở địa phương khác, còn tại Bình Dương thì sao? Hiện tượng BS hưởng hoa hồng từ các toa thuốc kê cho bệnh nhân có hay không? Chắc chắn không ngoại lệ. Song ở mức độ nào thì chưa biết vì chưa có ai phát hiện làm rõ, chỉ thấy rằng việc quản lý giá thuốc trên địa bàn hiện còn rất lỏng lẻo, quản lý hành nghề y tế tư nhân cũng còn nhiều hiện tượng phải bàn. Giá thuốc thì mỗi nơi một giá khác nhau. Nếu người bệnh hỏi, thắc mắc thì được ngay câu trả lời, đó là do khác hãng sản xuất, hoặc thuốc này chất lượng hơn... Có phải do ngành dược không có thông tin về giá sàn các loại thuốc, thiếu bảng niêm yết giá, người bán thuốc có nơi còn lột bỏ cả bao bì viên thuốc, đặc biệt là ở các phòng khám tư nhân thì hiện tượng này gần như phổ biến. Nhiều người đi khám bệnh để được nhận những gói thuốc không bao bì, nhãn hiệu (có khi do thuốc viên từ chai lọ lớn đổ ra và cũng có khi bao bì bị xé bỏ) và bệnh nhân đi khám bệnh chỉ biết nghe lời BS bảo uống thuốc gì thì uống. Tất cả bệnh tật, sinh mệnh của mình giao phó cho y, BS, người bán thuốc, còn lại không biết gì hơn. Đã có không ít trường hợp xảy ra sự cố do thiếu hiểu biết của bệnh nhân, bệnh này uống thuốc khác...
Nói đi và nghĩ lại, trong ngành nghề nào cũng có không ít những con sâu làm rầu nồi canh, bên cạnh những phòng khám, nhà thuốc có những hiện tượng thiếu minh bạch đó cũng có những phòng khám rất rõ ràng thông tin thuốc gì, bệnh gì được BS trao đổi cặn kẽ, thậm chí bệnh nhân có thể cầm toa thuốc này đi mua nhà thuốc nào cũng được vì có toa thuốc hẳn hoi. Những người thầy thuốc ấy dù còn rất trẻ, hay đã nghỉ hưu cũng rất đáng trân trọng và đáng để bệnh nhân tri ơn. Còn đối với những người dù đã được cấp giấy hành nghề, bằng cấp và khoác áo thầy thuốc nhưng vẫn kê toa thuốc để hưởng hoa hồng từ các đơn vị kinh doanh, vẫn bóc toa bán thuốc vì lợi nhuận cao (bỏ nhãn hiệu thuốc), thì vẫn không thể chấp nhận được bởi họ đã vi phạm chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, các quy định của ngành và đặc biệt là lời thề Hippocrate về y đức mà bất cứ một sinh viên ngành y và một thầy thuốc nào đã hành nghề cũng xem là điều rất thiêng liêng.
Cần thiết phải xem lại quy trình quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh, phải quản lý lại giá thuốc, thanh kiểm tra thường xuyên định kỳ việc niêm yết giá thuốc... Song hơn hết những người có tầm vị cao, học rộng, làm nghề được mọi người tôn kính hãy tự soi rọi, siêu âm lại mình xem có hạt sạn nào, vùng nào còn bị che mờ để loại bỏ, gắp ra. Hãy tự mổ xẻ chính bản thân mình vì cái điều thiêng liêng mà mình đã thề từ khi còn ở ghế giảng đường.
B.T.L