Thêm thận trọng với mua, bán hàng đa cấp

Cập nhật: 26-10-2012 | 00:00:00

 Theo cơ quan điều tra, cũng áp dụng hình thức BHĐC tương tự kiểu hoạt động của Mua Bán 24, Sinh Lợi (đã bị đánh sập)..., Công ty Tâm Mặt Trời kêu gọi mọi người tham gia làm thành viên để sở hữu một gian hàng điện tử và được mua hàng hóa đa chủng loại với giá cực rẻ. Để được hưởng quyền lợi này và trở thành thành viên của mạng lưới thì mỗi người phải nộp 6 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi thành viên phải liên tục mở rộng hệ thống bằng cách lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia. Khi giới thiệu thêm một người tham gia, họ sẽ được hưởng hoa hồng 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa ai mua được hàng giá rẻ từ loại hình kinh doanh đa cấp trực tuyến này, vì bị lừa mất tiền nên nhiều nạn nhân bức xúc, có đơn thư tố cáo gửi công an các địa phương về các “chiêu” lừa của Công ty Tâm Mặt Trời và ngành chức năng đã vào cuộc...

Từ trước đến nay, vị đắng của “quả lừa” BHĐC đã không ít người nếm trải và bức xúc cầu cứu đến các ngành chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng cũng đã nhiều lần cảnh báo và nhiều công ty BHĐC lừa đảo đã bị phanh phui... nhưng không hiểu vì sao ngày lại càng có nhiều người trở thành nạn nhân của chiếc bẫy này. Có lẽ đánh vào tâm lý thích được mua hàng giá rẻ, khi lôi kéo càng nhiều người tham gia làm thành viên của hệ thống thì sẽ được hưởng hoa hồng cao mà nhiều người đã sập bẫy khi chưa mua được hàng giá rẻ đã mất tiền, khoản hoa hồng cũng vỗ cánh bay theo. Đáng tiếc là không chỉ những người dân ở vùng sâu, vùng xa - những nơi thiếu thốn thông tin mới bị các công ty BHĐC không chân chính lừa đảo kiểu này, mà còn có rất nhiều người ở các vùng thị trấn, thị tứ, các em học sinh, sinh viên cũng bị lừa. Và không chỉ chị em phụ nữ, những người từ trước đến nay được xem là hay nhẹ dạ, cả tin mà cánh nam giới cũng bị vào tròng chiếc bẫy “ngọt ngào này”.

Trên địa bàn Bình Dương cũng không tránh khỏi kiểu lừa đảo thông qua BHĐC. Thời gian qua, rất nhiều người dân đã bức xúc gọi điện đến đường dây nóng hoặc trực tiếp đến cơ quan báo để trần tình, tố cáo một số công ty BHĐC mở chân rết trên địa bàn tỉnh đã lừa đảo họ và nhờ cơ quan thông tin đại chúng đi thâm nhập thực tế để phản ảnh, cơ quan chức năng can thiệp để kịp thời ngăn chặn những hoạt động phi pháp, lừa đảo của chúng và thông qua đó cảnh giác để hạn chế số nạn nhân của “kịch bản” BHĐC...

Nếu có tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy rằng BHĐC không xấu, nhưng nó đòi hỏi một nền dân trí cao. Ở đó, nhiều người có kiến thức tốt về kinh tế, cơ quan quản lý phải đủ mạnh. Tại Việt Nam, loại hình này đã bị biến tướng thành một hình thức lừa đảo theo mạng lưới: Hiện nay trên địa bàn cả nước xuất hiện một số công ty lợi dụng kẽ hở của luật pháp đã mở hình thức kinh doanh bán gian hàng ảo trên mạng mà họ gọi là thương mại điện tử, nhưng thực chất là một hình thức lừa đảo đa cấp và đã có hàng triệu người bị lừa vào đường dây lừa đảo kiểu này mà hậu quả là “tiền mất tật mang”. Những người tham gia vì tiếc số vốn đã đầu tư nên buộc phải gỡ gạc lại bằng cách tiếp tục đi lừa những người khác, trong khi đó những người bị lừa lại chính là những người thân của mình. Tham gia vào những đường dây này không những mất tiền mà còn mất đi tình cảm của bạn bè và người thân.

Trong khi chờ Nhà nước chấn chỉnh lại việc quản lý những đơn vị, hệ thống BHĐC, chúng ta hãy nhắc nhau cần cẩn trọng khi được mời gọi mua, bán hàng hoặc làm thành viên của những công ty BHĐC.

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=433
Quay lên trên