Hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng và tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương. Cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, các TCVH trên địa bàn cũng ngày càng phát triển, hoàn thiện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…
Vẫn còn khó khăn
Bên cạnh những TCVH đã được hình thành từ lâu, như: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh… trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số TCVH có quy mô lớn, phát huy hiệu quả tốt, phục vụ nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng công nhân lao động. Điển hình như: Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương tại KCN Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát). Trung tâm hình thành từ năm 2014 và do Tỉnh đoàn quản lý. Với nhiều hoạt động phong phú được tổ chức thường xuyên, trung tâm là một trong những TCVH trên địa bàn mới hình thành không lâu nhưng phát huy tốt hiệu quả sử dụng. Trong dịp ghé thăm trung tâm gần đây, chúng tôi được bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn cho hay, các hoạt động tại trung tâm khá phong phú như tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, trường mầm non và các hoạt động dịch vụ khác. Nơi đây còn thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân tại các KCN trên địa bàn như: Hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, nói chuyện chuyên đề...
Với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra thường xuyên, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh là một trong những đơn vị khai thác tốt TCVH, thu hút nhiều người dân đến vui chơi giải trí . Ảnh: H.THUẬN
Những kết quả đạt được của các TCVH trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhưng thực trạng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định. Theo nhận định của lãnh đạo Sở VH-TT&DL, việc đầu tư xây dựng các thiết chế VH-TT của tỉnh tuy đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, chưa đủ tác động rộng rãi và hiệu quả trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện và tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh. Đến nay, một số huyện, thị, thành phố vẫn chưa được đầu tư xây dựng TCVH-TT, phải sử dụng công trình cơ sở vật chất cũ được bàn giao lại để hoạt động nên không đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động tại chỗ. Biên chế phục vụ tại các TCVH-TT hiện chưa ổn định, kinh phí cho hoạt động của các TCVH-TT còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Ở cấp xã, phường, thị trấn, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TCVH-TT ở một số địa phương chưa đồng bộ, còn thiếu một số các hạng mục chức năng theo quy định, phương tiện trang thiết bị trang bị không bảo đảm về mặt kỹ thuật. Điều quan trọng là quy chế hoạt động của Trung tâm VH-TT xã đến nay vẫn chưa được ban hành nên nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức hoạt động, nhất là về kinh phí và biên chế.
Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho rằng: “Những tồn tại, khó khăn trên là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ban, ngành chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, của sự phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế. Trong chỉ đạo chưa bám sát Chương trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, chưa chú trọng công tác sơ, tổng kết đánh giá, kiểm tra giám sát chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, sự tác động của suy thoái kinh tế kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện theo đúng các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; công tác dự báo, định hướng trong các đề án, quy hoạch chưa sát với tình hình thực tế, tính khả thi chưa cao”. Đối với địa phương xã, phường quỹ đất dành để xây dựng các thiết chế VH-TT cơ sở còn thiếu, kinh phí ngân sách dành cho đầu tư các TCVH, thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các địa phương. Việc đầu tư xây dựng các TCVH-TT chưa được xem xét đầy đủ tính hiệu quả, chưa bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư xây dựng với công tác chuẩn bị về nhân sự phục vụ cho công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng, gây lãng phí ngân sách. Đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở do chế độ, chính sách chưa phù hợp, không tuyển dụng được người có trình độ thích hợp theo yêu cầu vị trí công tác. Việc đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực còn bất cập, đào tạo chưa gắn với thực tiễn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa cho biết thêm.
Phát huy vai trò các TCVH
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong sự phát triển đó, các TCVH đóng vai trò rất quan trọng. Bà Minh Nghĩa khẳng định, hệ thống TCVH cơ sở là nơi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân. Đó còn là nơi giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương như: Tuyên truyền các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, hệ thống TCVH còn có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí để được công nhận là nông thôn mới có tiêu chí: Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL là 100%. “Tiêu chí này, một mặt góp phần xây dựng nông thôn mới; mặt khác, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa thành thị và nông thôn. Việc xây dựng và hoàn thiện các TCVH, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra”, bà Minh Nghĩa nói.
Phải nhìn nhận rằng, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, việc đầu tư xây dựng các TCVH của tỉnh tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, chưa đủ tác động rộng rãi và phát huy hết hiệu quả. Để phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các TCVH trên địa bàn tỉnh, nhất là ở cơ sở, theo lãnh đạo của Sở VH-TT&DL trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện các đề án, dự án, quy hoạch đã được phê duyệt. Song song đó, Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 28-4- 2009 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở đến năm 2015 cần được điều chỉnh theo hướng phân bổ thêm kinh phí hoạt động hàng năm cho các Trung tâm VH-TT cấp xã để phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế hiện nay của tỉnh. Đối với một số TCVH-TT cấp xã (là những công trình cũ trước đây được chuyển đổi mục đích sử dụng và bàn giao lại cho ngành quản lý), địa phương cần xem xét lại công trình nào đạt quy chuẩn (đủ diện tích, vị trí thuận lợi, bảo đảm điều kiện tổ chức các hoạt động) để có kế hoạch nâng cấp hoặc tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện để ổn định lâu dài. Công trình nào chưa đạt chuẩn (diện tích nhỏ) nên thu hồi lại, đồng thời chọn một địa điểm khác để thay thế.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một số TCVH cấp xã hình thành nhưng không phát huy được hiệu quả do không kêu gọi được xã hội hóa nhằm làm phong phú, đa dạng thêm các hoạt động nhằm thu hút các tầng lớp nhân dân. Về điều này, Sở VH-TT&DL kiến nghị tỉnh xác định Trung tâm VH-TT cấp xã là cơ sở sự nghiệp công lập và ban hành một số quy định cụ thể về hình thức “liên kết” nhằm khuyến khích, thúc đẩy, mở rộng các hình thức xã hội hóa. Có như thế, các TCVH ở cơ sở mới tổ chức được nhiều hoạt động liên tục và trở thành điểm đến vui chơi, sinh hoạt thường xuyên của mọi người dân.
CẨM LÝ