Trở lại sau đại dịch, để hồi phục và phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Bình Dương đã và đang triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, từ nội tỉnh đến kết nối liên thông vùng Đông Nam bộ. Cùng với các tuyến đường đang khai thác, những tuyến đường mới mở được kỳ vọng khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà cũng như các tỉnh, thành trong khu vực.
Kỳ vọng lớn, yêu cầu cao, tuy nhiên tiến độ đầu tư xây dựng của các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và cả vùng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc, từ việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho đến di dời hạ tầng điện, viễn thông. Bên cạnh đó, còn cần đến cả sự phối hợp nhịp nhàng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, tập trung giải quyết mọi vấn đề đặt ra với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy giá trị đầu tư.
Với tầm nhìn giao thông đi trước, mở đường phát triển, lãnh đạo tỉnh đã liên tục có những chuyến khảo sát, đánh giá thực tế, nắm bắt và chỉ đạo quyết liệt giải quyết những khó khăn, cản trở để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công, các địa phương liên quan công trình, dự án phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nắm rõ, nắm chắc khó khăn của từng dự án cụ thể, tập trung tìm phương án giải quyết dứt điểm để bảo đảm tiến độ thi công.
Với việc Bình Dương khởi công các công trình như Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thành đường, cầu nối Tây Ninh và sắp hoàn thành đường, cầu nối với Đồng Nai, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… đã cho thấy tinh thần hành động quyết liệt vì sự phát triển chung của cả vùng của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh.
Với tầm nhìn và trách nhiệm cao, Bình Dương cũng liên tục có những cuộc làm việc với các tỉnh, thành trong khu vực, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, phối hợp, hỗ trợ để cùng nhau hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm của cả vùng và khu vực phía Nam. Thông đường để mở rộng không gian, dư địa phát triển, thông đường để hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu sản xuất, kinh doanh của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam luân chuyển thuận lợi hơn. Kỳ vọng sự hợp sức hành động, hạ tầng giao thông của khu vực phía Nam sẽ đồng bộ, hiện đại hơn, mở đường phát triển thuận lợi cho các tỉnh, thành cũng như của cả quốc gia.
TRIỆU PHONG