Thông tin tiếp theo sau loạt bài “Chấn chỉnh tình trạng nuôi chó thả rông”: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền cơ sở

Cập nhật: 12-12-2022 | 09:11:37

Sau khi Báo Bình Dương đăng loạt bài về việc cần chấn chỉnh tình trạng nuôi chó thả rông trong khu dân cư, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc với mong muốn chính quyền cơ sở cần quyết liệt vào cuộc xử lý tình trạng này để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Khi chính quyền vào cuộc

Nhằm hạn chế thấp nhất các hệ lụy do chó thả rông gây ra, vừa qua một số phường ở TP.Thuận An đã đồng loạt triển khai bắt chó thả rông, xử lý chủ vật nuôi. Đến nay, gần 100 con chó thả rông trên địa bàn TP.Thuận An được cán bộ chức năng ở các phường bắt xử lý.


Lực lượng chức năng phường An Phú, TP.Thuận An ra quân bắt chó thả rông trong khu dân cư. Ảnh: THANH QUANG

Ông Phan Thái Sơn, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết thời gian qua tình trạng chó không tiêm ngừa, thả rông có nguy cơ gây bệnh dại cho người dân và nhiều hệ lụy khác. Để phòng ngừa, phường An Phú thường xuyên tuyên truyền tình trạng này trên hệ thống loa đài; thông qua những buổi họp dân, cán bộ phụ trách thú y của phường cũng phổ biến các quy định của Luật Thú y. Song song đó, chính quyền phường An Phú tổ chức cho trên 1.000 người dân ký cam kết tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi, không thả rông chó ra nơi công cộng. Nếu nuôi chó phải có xích và rọ mõm khi dắt ra ngoài; không để chó phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Hưởng ứng chủ trương này, sau gần 2 tháng phát động, tính đến ngày 11-12, có 500 con chó người dân nuôi trên địa bàn phường An Phú đã được tiêm ngừa.

Cũng theo ông Phan Thái Sơn, ngày 9-12, chính quyền phường An Phú phối hợp Trạm Thú y TP.Thuận An tổ chức lực lượng bắt chó thả rông. Sau 2 ngày ra quân, có 21 con chó thả rông bị bắt giữ và đưa về trụ sở UBND phường nuôi nhốt, đồng thời thông báo trên loa đài để chủ vật nuôi đến nhận lại. Cán bộ chức năng phường An Phú sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ vật nuôi thực hiện việc tiêm phòng dại cho chó. Theo quy định của phường An Phú, khi lực lượng chức năng bắt chó thả rông và thông báo trên loa đài, trong thời gian 48 giờ, nếu không có chủ đến nhận lại, địa phương sẽ hiến tặng cho khoa Chăn nuôi thú y trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh để phục vụ cho việc dạy thực hành. Đến trưa 11-12, có 11/21 con chó bị bắt giữ trước đó đã được chủ đến nhận lại, chấp hành nộp phạt. “Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền và tổ chức lực lượng bắt chó thả rông để xử lý đúng quy định”, ông Phan Thái Sơn cho biết.

Trong khi đó ông Huỳnh Anh Tài, Chủ tịch UBND phường Bình Hòa, TP.Thuận An, cho biết phường Bình Hòa có mật độ dân cư đông nên việc người dân trên địa bàn nuôi chó thả rông có nguy cơ gây tai nạn cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và nhiều hệ lụy khác. Hơn 2 tháng nay phường Bình Hòa đã tập trung tuyên truyền rộng rãi để người dân chấp hành việc không để chó thả rông. Vừa qua, phường đã tổ chức lực lượng bắt 15 chú chó thả rông trong khu dân cư. Sau đó có 8 trường hợp chủ vật nuôi đến nhận lại, chấp thuận việc nộp phạt, tiêm ngừa cho chó và ký cam kết không thả chó ra bên ngoài.

Cần sự quyết liệt hơn

Theo số liệu thống kê ban đầu về việc tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 1 đến 31-10 có 936 người bị chó cắn. Tính đến ngày 31-10, toàn tỉnh có hơn 7.900 người tiêm vắc xin phòng dại, 611 con chó chạy rông mất tích, 324 con ốm và 2 con lên cơn dại.

Anh N.N., ở TP.Thủ Dầu Một, cho rằng hiện nay chúng ta đang sống ở đô thị văn minh nên cần sạch sẽ về cảnh quan, môi trường, trong đó có nhiều vấn đề như rác, chất thải và súc vật. Vì vậy người dân phải có ý thức về việc nuôi thú cưng của mình tránh làm ảnh hưởng đến người khác. Rõ ràng quy định đã có, việc nhắc nhở, tuyên truyền cũng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen của đa số người nuôi chó. Nếu chính quyền không mạnh tay xử phạt thì việc này sẽ diễn ra từ năm này đến năm khác và không thể làm ý thức của người nuôi chó chuyển biến. Mong chính quyền địa phương xử phạt nghiêm, thường xuyên mới thay đổi được tình trạng chó thả rông như hiện nay.

Căn cứ vào Chỉ thị số 18/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tập trung thực hiện những nội dung như rà soát, thống kê số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin bệnh dại trên đàn chó. Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nuôi nhốt tránh tình trạng thả rông... Chỉ thị cũng nhấn mạnh người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vai trò chỉ đạo cơ quan chuyên môn, thống kê đàn chó nuôi định kỳ hàng năm. Chủ động kiểm tra, đôn đốc các địa phương và các cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường kiểm tra, triển khai thực hiện các văn bản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quá trình nuôi chó theo quy định hiện hành...

Qua trao đổi với P.V, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh, nhấn mạnh chi cục đã chỉ đạo đến trạm thú y các địa phương tăng cường nắm tình hình vật nuôi trong khu dân cư để phản ánh và kết hợp với chính quyền địa phương có biện pháp xử lý mạnh tay trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, trung bình hàng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh, chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.

THANH QUANG - QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên