Thua trên sân nhà!

Cập nhật: 17-08-2011 | 00:00:00

Thời gian gần đây, thông tin hàng ngàn lao động phổ thông Trung Quốc theo nhà thầu vào Việt Nam làm việc đã tạo luồng dư luận hết sức lo ngại. Bởi hiện tại trong nước, hàng vạn lao động còn khó khăn về công ăn việc làm, thu nhập thấp thậm chí còn bị thất nghiệp thì khó có thể chấp nhận việc lao động phổ thông nước ngoài “tràn” vào quá nhiều như vậy. Thông tin mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, lao động nước ngoài vào Việt Nam đã lên đến con số 74.000 người. Trong khi đó, trong 6 tháng qua, với nhiều cố gắng, cả nước đã tạo việc làm được cho hơn 857.850 người, đạt hơn 53% kế hoạch, giảm 4,76% so với cùng kỳ năm 2010.

Nhận định về thực trạng lao động phổ thông nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc có mặt tại Việt Nam, nhiều người cho rằng, sở dĩ lao động nước ngoài tràn vào ồ ạt như hiện nay là do có nhiều công trình, dự án do người nước ngoài trúng thầu. Vì không muốn gặp phải những khó khăn, như khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ nên nhà thầu nước ngoài đã đem theo cả lao động của nước mình vào làm. Tuy nhiên, những người am hiểu lại không đồng tình. Bởi lao động của Việt Nam hiện cũng đi làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng đang sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, hòa vào nền văn hóa cũng như tuân thủ luật pháp của mỗi nước, vẫn làm việc hiệu quả ở nhiều công trình của các nhà thầu nước ngoài. Vì vậy công nhân của ta hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu nước ngoài đang thi công các dự án tại Việt Nam. Tuy nhiên, lý do mà phần lớn các nhà thầu nước ngoài nại ra thường là do không tuyển đủ lao động Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn nên đành phải đưa lao động nước họ vào. Sự thực, trình độ chuyên môn, tinh thần làm việc cũng như ý thức tổ chức kỷ luật lao động của lao động phổ thông nước ngoài cũng không hơn gì lao động Việt Nam. Nhưng đây chính là cớ mà các nhà thầu nước ngoài lợi dụng để tìm cách đưa ồ ạt lao động của họ vào nước ta làm việc, tước đi cơ hội việc làm của chính lao động trong nước.

Trả lời phỏng vấn báo chí về việc lao động Trung Quốc không phép cư trú và làm việc ở nhiều địa phương ở nước ta thời gian gần đây, một vị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận: Để xảy ra hiện tượng này có một phần trách nhiệm quản lý chưa chặt chẽ của nhiều bộ, ngành liên quan, trong đó có ngành LĐ-TB&XH. Hơn nữa, nhiều địa phương chưa đáp ứng được về nguồn lực khi nhà thầu Trung Quốc đặt vấn đề tuyển dụng tại chỗ. Vì vậy họ phải đưa lao động của họ vào làm việc vì họ còn trách nhiệm với tiến độ công trình.

Nói thì nói vậy, nhưng nhìn thẳng vào vấn đề thì đang tồn tại một nghịch lý. Mỗi năm nước ta đang phải nỗ lực để đưa 70.000 - 80.000 lao động ra nước ngoài làm việc với mục đích là tạo điều kiện cho lao động có mức thu nhập cao hơn ở quê nhà. Để ra nước ngoài làm việc, trong khi hàng vạn lao động của ta đang phải bỏ ra những khoản chi phí lớn để học nghề và môi giới thì lao động của nước ngoài vào nước ta không mất khoản phí nào, chúng ta cũng không thu được khoản dịch vụ việc làm nào. Trên các công trường, cùng là lao động phổ thông nhưng lao động của nước ngoài lại luôn có mức lương cao gấp 5 - 7 lần lao động trong nước. Như vậy, chúng ta đang tự đánh mất cơ hội “xuất khẩu lao động tại chỗ”. Rõ ràng, chúng ta đã thua đau trên sân nhà!

Nhật Huy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=364
Quay lên trên