Thừa và thiếu!

Cập nhật: 17-05-2012 | 00:00:00

Mặc dù đội ngũ những người hưởng lương đã được nhận lương mới từ ngày 1-5, nhưng đến nay, vấn đề cải cách tiền lương vẫn là tâm điểm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, tiền lương tối thiểu hiện nay vẫn không đủ sống, nên ở nhiều nơi đã không giữ chân được cán bộ, công chức. Thực ra, đây cũng là điều dễ hiểu vì tiền lương gắn bó thiết thực đến đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, hiệu quả thước đo mối quan hệ giữa công việc và tiền lương thì ít ai bàn đến.

Theo kết quả khảo sát thời gian gần đây của Bộ Nội vụ, chỉ có khoảng 30% cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải “cầm tay chỉ việc”, hơn 30% “cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm. Hạn chế đã thấy, từ cải cách tổ chức bộ máy nói hoài, làm mãi cũng chẳng đi đến đâu. 4 năm thực hiện tinh giản biên chế Nhà nước (2007-2011), con số giảm được hơn 50.000 người nhưng tính tổng biên chế trong 4 năm thì đã tăng lên 25%. Biết thừa cán bộ không làm được việc, biết thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia và cán bộ giúp việc giỏi nhưng không biết tính làm sao, bởi hàng năm, sau khi đánh giá cán bộ, dù người đó có khiếm khuyết hoặc hạn chế về mặt năng lực nhưng cơ quan, đơn vị đó đều phân loại tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chỉ mới tập trung vào việc chuẩn hóa bằng cấp chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh mà chưa coi trọng năng lực thực sự và hiệu quả công việc. Điều đó vô tình đã bộc lộ rõ những cái thiếu trong một bộ phận cán bộ, công chức: thiếu kiến thức, thiếu tầm nhìn và thiếu tư duy độc lập, sáng tạo.

Phân tích sâu hơn nữa, chúng ta có thể thấy sự hạn chế của khâu đào tạo, quy hoạch không chuyên sâu, nặng về lý thuyết mà xem nhẹ thực hành. Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức thì không tôn trọng sở trường, trái ngành nghề chuyên môn được đào tạo nên khi cơ chế, chính sách thay đổi liên tục, thì cán bộ, công chức đã biến mình thành “những cái máy” chỉ biết nói theo làm theo, suốt đời không thạo việc. Trong khi đó, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, đáng tiếc là vẫn còn số đông cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước không quan tâm đến cập nhật thông tin, kiến thức mới để nâng cao kiến thức và năng lực công tác của bản thân, nên hạn chế về năng lực quản lý Nhà nước cũng là điều dễ hiểu!

Để nâng cao kiến thức, nâng cao tầm nhìn và tự chủ tư duy, sáng tạo, hiện nay, từ Trung ương đến địa phương đã và đang tính toán xây dựng và đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu và bước đi cụ thể nhằm nâng cao năng lực, trình độ quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức. Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Muốn vậy, về cải cách tổ chức bộ máy, chúng ta phải mạnh dạn tính toán một đội ngũ cán bộ, công chức thực chất tận tâm với công việc; riêng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức phải được thiết kế chương trình cho phù hợp với từng đối tượng, từng vị trí công việc và từng nhóm đối tượng tương ứng của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị và phải xuất phát từ đối tượng và yêu cầu về nhiệm vụ, công tác mà họ đảm nhiệm. Đạt được kết quả đó, hy vọng sẽ tạo được sự đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt và đủ năng lực thi hành nhiệm vụ và quan trọng hơn là giải quyết bài toán thừa, thiếu hiện nay.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=365
Quay lên trên